Khan hiếm tiền lẻ ngày càng trầm trọng!
Ngay từ đầu năm 2007, các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần nhắc đến sự khan hiếm tiền lẻ lưu thông trên thị trường nhưng tới nay tình trạng này không được cải thiện mà ngày càng trầm trọng ngay cả trong hệ thống các ngân hàng.
Tiền 500đ và 1.000đ trở thành hiếm
Tại một quán nước, một cô gái trả tiền bằng tờ 500.000 đ trong khi chỉ cần 4.000 đ cho một ly bưởi ép. Chị bán hàng bảo con sang hàng bên cạnh đổi tiền nhưng không đổi được. Cô gái tìm hết trong túi cũng chỉ có 3.000đ, đành ái ngại nhìn chị hàng nước vét gần hết ngăn kéo trả lại tiền cho mình.
Ở ven đường, một chị bán rau dạo không bán được cho khách vì không kiếm đâu ra đủ tiền để thối cho khách mua mớ rau giá 1.500đ… Đó là những tình huống phổ biến do khan hiếm tiền lẻ. Tại các ngân hàng thương mại, tình trạng này càng bức xúc hơn.
Ông Quang Triết, Trưởng phòng ngân quỹ Eximbank, cho biết trước Tết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM có phân phối tiền lẻ cho các ngân hàng theo một tỷ lệ nhất định, nhưng sau Tết đến nay không phân theo tỷ lệ mà có bao nhiêu NHNN chia bấy nhiêu. Điều này đã làm cho tiền lẻ vốn đã hiếm lại càng hiếm hơn.
Hiếm nhất là mệnh giá 500 đ và 1.000 đ, hầu như không có - kể cả tiền kim loại lẫn tiền cotton. Đầu tháng 5, NHNN có phân phối một ít tiền lẻ cho các ngân hàng, Eximbank cũng chỉ nhận được vài chục triệu đồng, chỉ đáp ứng 10-20% nhu cầu tiền lẻ của khách hàng.
Phóng viên đến một số chi nhánh của BIDV, Saigonbank, AnBinhbank… thử đề nghị đổi 200.000 đ tiền lẻ mệnh giá 500 đ, 1.000 đ, 2.000 đ nhưng đều bị từ chối bởi ngân hàng không có nhiều loại tiền này.
Một cán bộ kho quỹ Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết khi doanh nghiệp đề nghị ngân hàng đổi 1 triệu đồng tiền lẻ thì ngân hàng đáp ứng cao lắm là 200.000 đ. Bởi thực tế chỉ với vài chục triệu đồng tiền lẻ nhận từ NHNN nên OCB chia đều cho các chi nhánh trên địa bàn TPHCM cũng chỉ đáp ứng cho vài doanh nghiệp trả lương nhân viên.
OCB còn khá hơn các ngân hàng khác vì có thể tự cân đối nguồn tiền lẻ từ sự hỗ trợ đắc lực của khách hàng là Công ty Xổ số kiến thiết, còn các ngân hàng khác đành lắc đầu.
Theo nhiều ngân hàng lớn, với nhu cầu giao dịch tiền lẻ của một chi nhánh trung bình trên 1 tỷ đồng/ngày, dù cân đối từ nguồn thu của nhiều khách hàng thì ngân hàng vẫn không thể trang trải đủ. Những phản ứng của khách hàng như cằn nhằn, giận dữ… là chuyện cơm bữa các ngân hàng phải hứng chịu.
Thu vào nhưng không phát ra
Có một thực tế hiện nay là NHNN thu hồi rất ít lượng tiền lẻ cotton cũ nát, không đủ tiêu chuẩn lưu thông, nhất là mệnh giá 500 đ, 1.000 đ và 2.000 đ. Riêng tiền kim loại thì hầu như không thu hồi.
Lý giải điều này, ông Quang Triết cho rằng do lượng tiền lẻ phát hành ra thị trường không nhiều nên những đồng tiền giấy loại 500 đ, 1.000 đ rách nát vẫn được truyền tay nhau sử dụng. Có còn hơn không, người dân chấp nhận vá víu tiền giấy để lưu thông.
Tiền lẻ mà được đưa về ngân hàng thì đã quá nát. Tiền kim loại cũ dù xỉn màu nhưng vẫn có thể lưu thông được nên ngân hàng thương mại đều giữ lại lưu thông không gửi trả NHNN.
Tuy nhiên các ngân hàng thương mại nộp tiền không đủ chuẩn lưu thông cho NHNN trung bình cũng từ 20-40 triệu đồng/tuần, phần lớn là nộp và ghi có vào tài khoản chứ không được đổi lại tiền mới. Việc thu hồi tiền lẻ cũ nhưng không phát hành ra tiền mới tương ứng đã làm cho việc khan hiếm tiền lẻ ngày càng nóng hơn.
Không có tiền lẻ, các hộ kinh doanh nghĩ ra đủ cách để trả tiền cho khách. Việc dùng hiện vật trả lại cho khách hàng thay vì tiền lẻ ngày càng phổ biến, đặc biệt là tại các bưu điện, cửa hàng, siêu thị…
Không thể chờ mãi vào sự hỗ trợ của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại cũng phải điều tiết, cân đối nhu cầu tiền lẻ của từng đối tượng khách hàng. Chẳng hạn ưu tiên cho các doanh nghiệp có giao dịch tiền lẻ nhiều, như các doanh nghiệp chi lương cho công nhân, các siêu thị, cửa hàng, dịch vụ bán lẻ…
Giám đốc ngân quỹ một ngân hàng quốc doanh thẳng thắn cho rằng: “NHNN Việt Nam trả lời báo đài sẽ phát hành thêm tiền này, tiền kia… thì chỉ làm khổ ngân hàng thương mại. Khách hàng nghĩ rằng các ngân hàng “ém” và phân biệt đối xử trong thu đổi tiền lẻ cho khách hàng.
Thực tế để giữ chân khách hàng, ngân hàng cũng phải ưu tiên đối với khách hàng lớn nên không thể phân phối rộng rãi tiền lẻ cho các khách hàng giao dịch vãng lai. Là ngân hàng thương mại phục vụ cho mục đích kinh doanh, chúng tôi hoàn toàn bị động vào nguồn tiền từ NHNN, không thể đáp ứng hết nhu cầu người dân như một ngân hàng cấp phát”.
Theo Mai Thảo
Báo SGGP