1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Khan hiếm gỗ nhập khẩu nên xảy ra nhiều vụ phá rừng?

(Dân trí) - Liên quan đến thông tin “Rừng đặc dụng Sông Thanh đang bị hạ sát?” mà Dân trí đã phản ánh, ngày 10/4, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã có báo cáo ban đầu về vụ việc.

Ông Đinh Văn Hồng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh – cho biết, đơn vị vừa phối hợp với BQL Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sông Thanh, UBND xã Tà Bhing, Đồn biên phòng Đắc Pring tổ chức kiểm tra hiện trường mà báo chí đã phản ảnh.

Rừng lim xanh ở huyện Nam Giang bị hạ sát
Rừng lim xanh ở huyện Nam Giang bị hạ sát

Kết quả, toàn bộ số cây gỗ bị đốn tại hiện trường thuộc các khoảnh 4, 5 và 7 Tiểu khu 309; thuộc địa bàn thôn Pà Xua, Pà Rồng thuộc xã Tà Bhing huyện Nam Giang. Hiện tổ công tác đang tiến hành kiểm tra đo đếm và lập biên bản, tiếp tục xác minh xử lý theo quy định của pháp luật;

Về tình trạng khai thác gỗ diễn ra phức tạp trên địa bàn huyện Nam Giang nói chung và địa bàn quản lý của BQL Khu BTTN Sông Thanh nói riêng trong thời gian gần đây, theo ông Hồng có một số nguyên nhân do 2 nước Lào và Campuchia hiện đã có chủ trương đóng cửa rừng dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn gỗ nhập khẩu cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà, trang trí nội thất của người dân còn rất cao; nhu cầu gỗ làm nhà của người dân địa phương ngày càng cao, việc sắp tới việc mở rộng Quốc lộ 14D từ Cầu Bến Giằng đi cửa khẩu Đắc Ốc nên nhu cầu làm nhà tại các xã Cà Dy, Tà Bhing, Tà Pơ, Chà Val, La Dê là rất lớn.

Bên cạnh đó, lực lương công chức, viên chức của Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh tới thời điểm hiện tại chỉ có 15 cán bộ, chỉ đáp ứng được 10% nhưng phải quản lý 75 ngàn ha rừng đặc dụng trải dài 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn.

Theo Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho biết, trong năm 2017 đơn vị đã phối hợp với BQL Khu BTTN Sông thanh tổ chức 6 đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các Tiểu khu 304, 305, 306, 307, 308 và 309; trong đó phát hiện phá hủy 5 lán trại và 100 dây cáp và một số dụng cụ khác phục vụ phá rừng như dao, rựa, xăng.. Đã phát hiện và lập biên bản 15 gốc bị chặt hạ trái phép tại hiện trường và trên 100m3 gỗ xẻ trên dọc tuyến Sông Thanh;

Đặc biệt, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm 2018, đơn vị phối hợp với BQL Khu BTTN Sông thanh đã xây dựng và tổ chức triển khai 18 kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét trong lâm phận quản lý.

Kết quả, đã phát hiện và lập biên bản 42 vụ vi phạm, trong đó có 2 vụ vi phạm về động vật rừng có dấu hiệu hình sự. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã ra quyết định trưng cầu giám định, tới nay đã có kết quả 1 vụ Sơn Dương Hạt đã hoàn tất hồ sơ chuyển Viện Kiểm soát huyện Nam Giang khởi tố theo quy định của pháp luật, 1 vụ đang chờ kết quả giám định; tịch thu và tạm giữ 20m3 gỗ, 400 kg sản phẩm động vật rừng.

“Nhưng với tinh thần trách nhiệm xác định rõ công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính trị của ngành nên cán bộ Công chức, viên chức, người lao động Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh và BQL Khu BTTN Sông Thanh cũng đã kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn quản lý”, ông Hồng cho biết.

C.Bính