Khẩn cấp ứng phó nạn khô hạn kéo dài ở miền Trung - Tây Nguyên
(Dân trí) - Người dân vực miền Trung - Tây Nguyên có nguy cơ mất trắng hàng chục nghìn ha lúa và cây trồng do hạn hán. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương khẩn cấp ứng phó với thiên tai.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, hơn 3 tháng qua, các địa phương miền Trung, Tây Nguyên đã diễn ra hạn hạn diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người nhân. Theo báo cáo, tại Nam Trung bộ, toàn vùng hiện có gần 17.300 ha cây trồng bị thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn. Ở Tây Nguyên hiện có hơn 51.000 ha cây trồng thiếu nước và hạn hán. Hầu hết các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong vùng đều có dung tích thấp hơn nhiều so với thiết kế, nhiều hồ nhỏ đã cạn, không còn khả năng tưới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, hiện tình hình hạn hán, thiếu nước đang diễn biến căng thẳng tại các vùng cửa sông, ven biển khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Cùng đó, ở hầu hết các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện khô hạn, đặc biệt trầm trọng ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum… Tình trạng thiếu hụt dòng chảy trên các sông khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong 3 tháng đầu năm nay cũng đang ở mức nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo đến giai đoạn hè năm nay, khô hạn tại miền Trung sẽ càng nghiêm trọng khi chịu thêm tác động của nắng nóng và gió Lào.
Cơ quan khí tượng cũng đưa ra cảnh báo thiếu hụt nghiêm trọng tại các hồ chứa nước khu vực miền Trung. Cụ thể, đến cuối tháng 2, phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế và Quảng Nam rơi vào tình trạng khô kiệt. Cùng đó là nạn xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào các vùng cửa sông, ven biển Nam Bộ đến cuối tháng 4.
Trước tình hình khô hạn nghiêm trọng tại miền Trung và Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, EVN xây dựng phương án, kế hoạch đặc biệt điều tiết nước ở các hồ thủy điện, thủy lợi, đủ điều kiện mới xả nước, tận dụng tối đa, tuyệt đối không để nước lãng phí trôi ra biển; các địa phương phải hết sức chủ động có các giải pháp phù hợp với điều kiện nguồn nước hiện có. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần hết sức kiên quyết trong việc hướng dẫn cơ cấu cây trồng, những khu vực không đủ nước tưới chuyển đổi sang trồng cạn, không để nông dân gieo trồng ngoài kế hoạch gây căng thẳng, tranh chấp nguồn nước và mất mùa.
Phạm Thanh