1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khẩn cấp giảm áp lực

(Dân trí) - Sự việc em Nguyễn Thị Diệu Thúy, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo - Nam Định treo cổ tự tử vì thi trượt đại học không chỉ là nỗi đau của riêng gia đình em, mà còn là tin buồn cho cả xã hội.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên học sinh tìm đến cái chết vì học kém hoặc thi trượt, nên bắt buộc các bậc phụ huynh phải bình tĩnh để xem xét nghiêm túc về hiện tượng nguy hiểm này.

Không biết căn nguyên từ đâu, bỗng dưng cả xã hội mang một quyết tâm “con em chúng ta phải thi đỗ đại học”. Cha mẹ đổ xuống đầu con cái quyết tâm đó bằng mệnh lệnh, xã hội nhìn người không học đại học như kẻ mù chữ. Cả xã hội đồng loạt tư duy rằng không có bằng đại học là không làm được gì cả, là người không thành đạt.

Quan niệm sai lầm này tạo thành áp lực nặng nề trong mỗi gia đình, trên từng học sinh. Từ đó tạo ra hàng loạt các tiêu cực trong giáo dục, chạy trường điểm, thi cử gian dối, mua bán bằng cấp, thầy giáo ép học sinh “đổi tình lấy điểm”... Nay thêm một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, tự tử vì thi trượt.

Có một điều thật dễ hiểu là không thể mọi người đều học đại học. Nếu ai cũng kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia thì trăm công việc khác trong đời sống lấy ai gánh vác. Thế nhưng điều dễ hiểu đó trở thành khó hiểu với tất cả mọi người. Người ta cứ đinh ninh dân mình hiếu học, nhưng cũng không ai nhận thức rằng hiếu học không có nghĩa là phải học đại học.

Áp lực tự mỗi người đặt ra tạo thành quán tính cho toàn xã hội, khiến người ta không còn bình tâm suy nghĩ khác đi, rằng nếu con cái mình không đủ sức học đại học thì học một ngành nghề khác. Ít ai đặt vấn đề, có một nghề nghiệp tử tế, tự xây dựng cuộc sống ổn định, nuôi dạy con cái nên người, đó cũng là một cách tự tìm hạnh phúc riêng tư và đóng góp cho cái chung.

Chính vì lẽ đó mà tại các trường đại học, học sinh chen chúc thi, còn các trường nghề vắng hoe. Hệ quả của nó là hàng ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp mỗi năm, còn hàng trăm doanh nghiệp tuyển thợ lành nghề đỏ con mắt không có. Thực tế này cho thấy đã có sự lãng phí cho mỗi gia đình và lãng phí rất lớn của xã hội.

Cái chết của nữ sinh trên là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với từng gia đình. Muốn ngăn chặn hiện tượng nguy hiểm này trước hết phải diệt trừ cái gốc sinh ra nó - sự tạo áp lực học tập lên con cái.

Lê Chân Nhân