Khẩn cấp di dân tránh bão Cimaron
Các cơ quan phòng chống lụt bão miền Trung cho biết sẽ sơ tán khẩn cấp dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 17 giờ chiều mai, 1/11. Với các tàu thuyền, nên di chuyển về phía Bắc để phòng tránh cơn bão Cimaron, theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Đà Nẵng: Quân đội và công an sơ tán dân
Sáng 30/10, UBND TP Đà Nẵng đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các ban ngành, quận huyện trên địa bàn TP bàn hướng đối phó với bão Cimaron sắp đổ bộ vào đất liền. Mệnh lệnh đưa ra là các điểm xung yếu phải di dời dân sớm hơn. Toàn bộ nhiệm vụ này giao cho quân đội và công an. Rút kinh nghiệm trong cơn bão Xangsane là khi gió lớn xe cứu thương bình thường không thể di chuyển nên UBND TP yêu cầu quân đội tăng cường ít nhất ba xe đặc chủng phục vụ cứu thương.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đề nghị các quận, huyện lập phương án sơ cấp cứu người tại chỗ ngay trong bão để giảm áp lực số nạn nhân đổ dồn lên tuyến trên gây quá tải, náo loạn như trong bão Xangsane vừa qua.
TP Đà Nẵng cũng đã xuất 53 máy phát điện tăng cường cho hệ thống bệnh viện, đài phát thanh truyền hình, các quận, huyện. Trước mắt TP trích 400 triệu đồng chuyển cho bảy quận, huyện mua lương thực dự trữ phục vụ việc ăn uống của người dân trong những ngày trước và sau khi bão đổ bộ.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương chỉ đạo phòng chống cơn bão số 7 đặt tại Đà Nẵng do Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trực tiếp chỉ đạo.
Đồng thời thành lập ba đoàn công tác tại ba địa phương: Quảng Trị (do lãnh đạo Bộ Thủy sản làm trưởng đoàn), Quảng Ngãi (do trung tướng Nguyễn Đức Soát - phó tổng tham mưu trưởng - Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn), Thừa Thiên - Huế (do một lãnh đạo cấp tổng cục làm trưởng đoàn).
Được biết, quân chủng hải quân đã điều động 42 tàu hải quân trên các khu vực và chín tàu ứng trực tại các căn cứ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. |
Tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết: đến trưa 30/10 vẫn còn 109 phương tiện đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng với 624 ngư dân chưa kịp về đất liền. Toàn bộ số tàu thuyền này hiện đang ở các vùng biển ven Trường Sa và Nam vịnh Bắc bộ.
TP Đà Nẵng chỉ đạo bằng mọi cách phải liên lạc, thông báo cho các tàu trên biết đường đi của bão Cimaron để tránh, không nhất thiết phải chạy về Đà Nẵng. TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các đơn vị thi công phải gỡ bỏ toàn bộ hệ thống cần cẩu, phương tiện thi công xuống đất; hạ, gỡ các biển quảng cáo lớn; tăng cường hệ thống truyền thanh kêu gọi người dân khẩn trương gia cố lại nhà cửa bằng bao cát.
Huế: Tổ chức di dời khoảng từ 12.000 - 15.000 dân đến nơi an toàn
Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: đối phó với cơn bão số 7 sắp đến, tỉnh chuẩn bị phương án di dời khoảng từ 12.000 đến 15.000 hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; trong đó chú ý đến các vùng thường xuyên bị sạt lở ven sông, ven biển.
Huyện Phú Vang chuẩn bị phương án di dời hơn 1.900 hộ với 8.397 dân vùng ven đầm phá và ven biển. Huyện Phú Lộc chuẩn bị di dời hơn 3.200 hộ với 17.000 nhân khẩu...
Các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị đủ nơi neo đậu tàu thuyền, hướng dẫn các cư dân vạn đò trên sông và trên đầm phá, các thuyền du lịch trên sông Hương vào neo đậu ở các nhánh sông nhỏ, khuất gió đề phòng bão dữ. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã kêu gọi được toàn bộ 45 tàu thuyền, với 152 ngư dân hoạt động trên biển vào bờ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục dự trữ 750 tấn gạo, hàng chục tấn mì tôm để chuẩn bị cứu trợ giúp dân.
Hiện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phân công nhau xuống các địa phương chỉ đạo việc phòng chống bão số 7. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức 3 cụm trực tình huống, với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ cùng với phương tiện bám các địa bàn vùng xung yếu để đề phòng mọi tình huống giúp dân phòng tránh bão dữ...
Hội An: Cứu hộ cho di tích
Chiều qua, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thị ủy Hội An - cho biết đến trưa 30/10 toàn bộ các tàu thuyền của ngư dân Hội An đã được đưa vào nơi trú ẩn tại âu thuyền cù lao Chàm và dọc hạ lưu sông Hoài. Thị xã cũng đã triển khai các phương án di dời dân ở vùng ven biển của các phường Cẩm An, Cửa Đại, thôn 7, thôn 8, xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim và vùng sạt lở ở bờ sông Cẩm Nam đến các điểm cư trú tập trung an toàn.
Riêng ở các xã phường khác sẽ di dời dân đến các nhà kiên cố. Đặc biệt là khu phố cổ đã rệu rã sau nhiều trận bão và lũ mới đây, thị xã đã chỉ đạo cho Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích đưa lực lượng túc trực tại các điểm di tích bị hư hại, sẵn sàng cứu hộ cho 39 di tích.
Theo Tuổi Trẻ/TTXVN