1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An

“Khai tử” xe công nông, gần 10 năm “dài cổ” chờ hỗ trợ

(Dân trí) - Sau gần 10 năm “khai tử” xe công nông theo chủ trương của Chính phủ, 96 hộ dân tại xã Hưng Đông (Tp Vinh, Nghệ An) vẫn chưa được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Nguyên nhân là do các cấp liên quan đã để thất lạc hồ sơ, giấy tờ liên quan.

“Dài cổ” chờ hỗ trợ

Năm 1996, ông Nguyễn Ngọc Cường (SN 1963, trú xóm Mai Lộc, Hưng Đông, Tp Vinh, Nghệ An) tích góp, vay mượn 18 triệu đồng để mua xe công nông đầu dọc vận chuyển gạch. “Xóm Mai Lộc trước đây là HTX vận tải đường sông, sau khi HTX giải thể, chúng tôi không có công ăn, việc làm, không có ruộng sản xuất, không có lương thưởng nên phải xoay ra đủ nghề để kiếm sống. Sau khi vay mượn được tiền mua xe công nông đầu dọc, gia đình tôi sống chủ yếu nhờ vào thu nhập vận chuyển vật liệu xây dựng”, ông Cường tâm sự.

“Khai tử” xe công nông, gần 10 năm “dài cổ” chờ hỗ trợ
Các hộ dân xóm Mai Lộc (xã Hưng Đông, Tp Vinh) phản ánh về việc chậm được nhận tiền hỗ trợ chuyển đồi nghề.

Năm 2009, khi Nghị định số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc buộc phải ngừng hoạt động công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh không đủ điều kiện lưu hành, ông Cường nghiêm chỉnh chấp hành. Chiếc xe công nông của ông được bán “hóa giá” cho cửa hàng sắt vụn được hơn 4 triệu đồng. 

Cũng giống ông Cường, ông Nguyễn Xuân Hải (trú xóm Mai Lộc) cũng phải bán đồng nát chiếc xe công nông là “cần câu cơm” của cả gia đình.

“Chúng tôi ký danh sách từ năm 2009 nhưng mãi mấy năm sau đó không nhận được bất kỳ thông báo nào lên quan đến việc chi trả hỗ trợ chuyển đổi nghề. Đến khoảng năm 2012, chúng tôi kéo lên phòng tiếp dân UBND thành phố Vinh để hỏi thì được trả lời là do mất hồ sơ nên chưa giải quyết được. Chúng tôi lại về gửi danh sách lên xã để xã gửi lên thành phố nhưng từ đó đến nay cũng không thấy gì”, ông Nguyễn Xuân Hải cho biết.

Theo Quyết định 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, những chủ phương tiện chuyển đổi nghề sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng, chủ phương tiện mua phương tiện thay thế sẽ được hỗ trợ 9 triệu đồng. Việc chậm được nhận các khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề khiến cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

“Khai tử” xe công nông, gần 10 năm “dài cổ” chờ hỗ trợ
Trong báo cáo thống kê gửi UBND Tp Vinh năm 2010 thì xã Hưng Đông có 54 xe công nông thuộc diện hỗ trợ, thay thế chuyển đổi.

Nhiều người dân cho rằng, sau khi “hóa giá” xe theo chủ trương của Chính phủ, với số tiền ít ỏi thu được, nếu được kịp thời nhận hỗ trợ, họ sẽ cố gắng vay mượn để đổi sang xe ô tô bán tải để tiếp tục kiếm sống bằng nghề vận tải hoặc có ít vốn để chuyển sang kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, số tiền tích góp và bán sắt vụn chiếc cần câu cơm đã bị “xé lẻ” dần dần. “Cụt vốn”, ông Cường, ông Hải… chuyển sang hành nghề xe ôm hoặc đi cửu vạn kiếm sống qua ngày.

Chậm do… thất lạc hồ sơ

Theo thống kê của xã Hưng Đông, thời điểm thống kê năm 2010, toàn xã có 54 chiếc xe công nông thuộc diện phải ngừng hoạt động. Đến năm 2012, con số này là 96 xe. Trong đó xóm Mai Lộc có 13 xe, xóm Mỹ Hậu 14 xe, xóm Mỹ Long, Mỹ Hòa mỗi xóm 10 xe…

Việc chậm được nhận hỗ trợ chuyển đổi khiến người dân mất nhiều cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.

Việc chậm được nhận hỗ trợ chuyển đổi khiến người dân mất nhiều cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.

Ông Đậu Cao Cung – cán bộ đô thị xã Hưng Đông cho hay, khi có chủ trương về việc xóa bỏ xe công nông đầu dọc, xe không đủ điều kiện lưu thông, xã đã lập danh sách gửi UBND thành phố Vinh. Tuy nhiên do không nộp trực tiếp cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ nên dẫn đến hồ sơ bị thất lạc. Cho đến khi người dân các phường, xã khác trong thành phố đã nhận được tiền hỗ trợ mà người dân Hưng Đông chưa được nhận, cán bộ xã lên hỏi thì mới được biết là trên thành phố chưa nhận được hồ sơ.

“Tính đến thời điểm này, UBND xã Hưng Đông đã 3 lần gửi danh sách các hộ thuộc diện được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề sau khi dừng hoạt động vận tải xe công nông. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng phản ánh vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có hộ dân nào được nhận tiền hỗ trợ. Trách nhiệm của xã chỉ là lập danh sách từng hộ rồi chuyển lên thành phố để trên đó xem xét giải quyết chứ cũng không làm được gì hơn”, ông Cung cho hay.

Việc chậm được nhận hỗ trợ chuyển đổi khiến người dân mất nhiều cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.
Trong báo cáo năm 2012, xã Hưng Đông có 96 xe công nông thuộc diện được hỗ trợ, chuyển đổi nghề nhưng tính đến thời điểm này vẫn chưa có hộ dân nào được nhận tiền. 

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị Tp. Vinh cho biết: Trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân sử dụng xe công nông, UBND xã Hưng Đông không nộp danh sách các hộ dân thuộc diện được hưởng hỗ trợ. Sau này, khi UBND xã Hưng Đông nộp danh sách lên thì chính sách hỗ trợ đã hết thời gian (hết năm 2009).

“Trong quá trình thực hiện Quyết định 548/QĐ-TTg ngày 29/4/2009, thành phố cũng có sơ suất do không kịp thời phát hiện xã Hưng Đồng không nộp danh sách các hộ dân thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Hiện nay, việc hỗ trợ đã ngừng, tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, thành phố sẽ rà soát lại, những hộ nào còn sót thì sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét trích ngân sách để hỗ trợ”, ông Nguyễn Quốc Thắng khẳng định.

Hoàng Lam

Việc chậm được nhận hỗ trợ chuyển đổi khiến người dân mất nhiều cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp.