1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ninh

Khai thác than núp bóng dự án nghĩa trang: Tổng công ty Đông Bắc lên tiếng

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long bỏ tiền xây nghĩa trang rộng hơn 3ha trên sườn đồi, đổi lại được thoải mái khai thác, đào bới hơn 30ha đất cách đó khoảng 2km (thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Đông Bắc), mới đây Tổng công ty Đông Bắc đã chính thức lên tiếng.


Tổng công ty Đông Bắc khẳng định tỉnh Quảng Ninh không hề trao đổi với đơn vị này khi giao đất cho doanh nghiệp khác khai thác.

Tổng công ty Đông Bắc khẳng định tỉnh Quảng Ninh không hề trao đổi với đơn vị này khi giao đất cho doanh nghiệp khác khai thác.

Không hề có thỏa thuận?

Cụ thể tại cuộc làm việc với báo chí, Đại tá Phương Kim Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đông Bắc, cho biết, ranh giới quản lý tài nguyên thuộc quản lý của đơn vị hầu hết là rừng phòng hộ, rừng sản xuất, khu vực cấm, khu vực hạn chế khai thác. Đơn cử như khu vực thuộc gần hồ Yên Lập giao cho tổng công ty quản lý tài nguyên (QLTN) theo quy hoạch của Chính phủ nhưng đơn vị chỉ QLTN chứ không được khai thác.

Báo chí đặt câu hỏi: Tỉnh có trao đổi, thỏa thuận gì với Tổng công ty Đông Bắc về 2 khu đất thuộc ranh giới QLTN của tổng công ty trước khi đồng ý cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long khai thác không?

Đại tá Phương Kim Minh khẳng định, dự án tại xã Quảng La không nằm trong ranh giới khai thác mà chỉ nằm trong ranh giới QLTN nên địa phương không có thỏa thuận gì với tổng công ty.

Cũng theo Đại tá Phương Kim Minh, theo quy định, khi triển khai dự án mà phát lộ than thì phải tạm dừng dự án, báo với chính quyền địa phương, sở, ngành liên quan. Các sở, ngành sau khi tiếp nhận tin báo phải tiến hành kiểm tra, xác định trữ lượng (tương đối) rồi mới giao cho TKV hoặc Tổng công ty Đông Bắc tận thu. Sau khi tận thu sẽ tiến hành nộp thuế theo quy định rồi mới đem than đi tiêu thụ. Do đó, số lượng than Đông Bắc tận thu bao nhiêu là do tỉnh Quảng Ninh xác định.

Đại tá Phương Kim Minh cho biết thêm, cả 2 khu đất Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long khai thác vào năm 2016, sau khi được các sở ngành xác định, Đông Bắc giao cho đơn vị thành viên của mình là Công ty TNHH một thành viên Thăng Long tận thu 2 đợt được 6.985 tấn than. Đông Bắc khẳng định hoàn toàn không nắm được lượng than đã khai thác thực tế tại đây là bao nhiêu.

"Trách nhiệm thuộc về địa phương"


Tổng công ty Đông Bắc cho rằng trách nhiệm để xảy ra vụ việc thuộc về địa phương.

Tổng công ty Đông Bắc cho rằng trách nhiệm để xảy ra vụ việc thuộc về địa phương.

Còn theo đại diện một phòng chuyên môn thuộc Tổng công ty Đông Bắc, lẽ ra khi ranh giới quản lý, bảo vệ tài nguyên được giao cho Đông Bắc thì chính quyền triển khai gì cũng nên thông báo để đơn vị biết, cùng phối hợp giám sát tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên ở đây, tỉnh Quảng Ninh đã quyết hết.

“Tài nguyên dưới lòng đất thì giao tổng công ty quản lý nhưng trên mặt đất vẫn thuộc diện tích rừng sản xuất các hộ dân được giao. Đất của người ta, rừng người ta được giao để sản xuất, chúng tôi thậm chí không được vào thì làm sao biết được họ làm gì? Do đó trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản là thuộc về cấp huyện”, vị này khẳng định.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, để xảy ra tình trạng tình trạng khai thác than trái phép tại khu vực vỉa 10, ai chịu trách nhiệm? Tổng Công ty Đông Bắc cho rằng, theo quy định cũng như quy chế phối hợp, trách nhiệm sẽ thuộc về địa phương mà ở đây trực tiếp là xã Quảng La và huyện Hoành Bồ.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thăng Long, đơn vị được Tổng công ty Đông Bắc giao quản lý trực tiếp khu vực trong đó có 2 khu đất bị khai đào, cũng đã từng xác nhận, để vào kiểm tra tại đây không đơn giản, thậm chí doanh nghiệp tổ chức khai thác đất còn lập cả barie để kiểm soát sự ra vào.


Dù vụ việc đang là điểm nóng, gây bức xúc trong dư luận nhưng lãnh đạo huyện Hoành Bồ không chủ động cung cấp thông tin.

Dù vụ việc đang là điểm nóng, gây bức xúc trong dư luận nhưng lãnh đạo huyện Hoành Bồ không chủ động cung cấp thông tin.

Để rộng đường dư luận cũng như làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trong vụ việc này, phóng viên Dân trí đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo huyện Hoành Bồ. Tuy nhiên lãnh đạo huyện người thì cáo bận, người thì điện thoại luôn ở trong trạng thái không liên lạc được. Thậm chí có lãnh đạo khi phóng viên gặp được trực tiếp lại né tránh, xin khất và hứa sẽ trả lời bằng văn bản. Thế nhưng chờ mãi không thấy văn bản trả lời đâu.

Dư luận địa phương một lần nữa đặt câu hỏi: Việc để hơn 30 ha đất bị doanh nghiệp khai đào, rừng sản xuất bị bạt trọc ảnh hưởng môi trường, tình trạng khai thác than trái phép... tại đây, trách nhiệm sẽ thuộc về ai đơn vị nào? Câu trả lời có lẽ xin dành cho UBND tỉnh Quảng Ninh.

An Nhiên