“Khai thác khoáng sản ở nhiều nơi còn diễn biến phức tạp”
(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đánh giá vẫn còn những bất cập trong quản lý, việc khai thác khoáng sản ở nhiều nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là cát sỏi, khai thác đá sản xuất xi măng…
Tại buổi tọa đàm “Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 25/2, ông Lại Hồng Thanh- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh hệ thống chính sách, các quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản đã cơ bản hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng đưa ngành công nghiệp khai khoáng phát triển theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận vẫn còn những bất cập trong công tác quản lý, việc khai thác khoáng sản ở nhiều nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là cát sỏi lòng sông, than, hay khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng…
Chính vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên trong thời gian tới cần phải đánh giá đây là “nguồn tài sản công”; từ đó mới có cơ sở đánh giá được tiềm năng của nguồn tài nguyên khoáng sản cũng như nguồn lực của đất nước thông qua công tác điều tra, thống kê, kiểm kê.
Đối với tình trạng khai thác, xuất khẩu lậu tài nguyên khoáng sản trong thời gian qua, ông Lại Hồng Thanh khẳng định việc xác định hành vi vi phạm, hay chế tài xử phạt đối cũng chưa đủ sức răn đe. Vì thế, Chính phủ đã lần lượt ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, góp phần tạo ra những chuyển biến nhất định.
“Minh chứng là từ năm 2012 đến nay, số vụ vi phạm khai thác khoáng sản giảm đáng kể theo từng năm. Đến nay tình trạng khai thác trái phép “vốn tự nhiên” của quốc gia đã giảm rõ rệt, nhất là các loại khoáng sản quý, hiếm”-ông Thanh nói.
Dù vậy, thực tế vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ nghị định mới về quản lý tài nguyên khoáng sản thay thế Nghị định số 33.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường - khẳng định khoáng sản là đầu vào rất quan trọng của các ngành kinh tế. Vì thế, nếu tháo gỡ được những nút thắt của cơ chế còn vướng mắc thì sẽ đảm bảo được nguồn lực, cũng như chi phí trong bối cảnh thị trường cạnh tranh.
Mặt khác, khoáng sản là tài sản chung thuộc sở hữu toàn dân nên khi đưa vào phát triển kinh tế cũng cần đảm bảo thu lại vốn của thiên nhiên, bởi khoáng sản là hữu hạn.
“Trong bài toán kinh tế thị trường, chúng ta cần cân nhắc loại khoáng sản nào có tính chất chiến lược cần phải khai thác sử dụng, nếu rẻ thì có thể mua, loại khoáng sản nào quan trọng thì đắt cũng không nên bán”- ông Chính đề xuất.
Nhấn mạnh tài nguyên khoáng sản là nguồn lực không thể tái tạo nên cần phải có hướng khai thác bền vững, ông Lại Hồng Thanh nói điều đó đòi hỏi phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách pháp luật, hài hòa giữa lợi ích giữa các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
“Chúng ta chỉ nên cân đối khai thác đủ dùng thôi, còn sau đó nên phát huy nguồn lực này vào tái đầu tư. Bởi lẽ, tài nguyên khoáng sản không đơn thuần là phục vụ cho mục đích khai thác, mà nó còn là tiềm năng để phát triển du lịch như phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn, không gian non nước Cao Bằng”- ông Thanh dẫn chứng.
Để thực hiện đúng lộ trình đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững cần phải có đánh giá dài hạn việc tiếp cận, sử dụng, trong đó hướng tới giải pháp dự trữ lâu dài. Hiện Việt Nam đã dự trữ hơn 10 loại khoáng sản khác nhau, trong đó có những loại về mặt chiến lược lâu dài có giá cao cũng không bán.
“Chúng ta cũng cần phải hoàn thiện thể chế, tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, kiểm soát sản lượng khai thác thực tế để đảm bảo tránh thất thoát sản lượng, cũng như phát triển theo hướng bền vững ngay cả khi đóng cửa mỏ, không thể để lại hậu quả cho người dân địa phương”- lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nhấn mạnh.
Thế Kha