1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc

(Dân trí) - Sáng nay 14/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2008. Đại lễ nhằm tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hoà bình, vị tha, nhân ái vốn có từ hơn 2.500 năm trước.

Đến dự Đại lễ có gần 600 phái đoàn Phật giáo, gồm 5.000 người đến từ 90 quốc gia trên thế giới. Đây là Đại lễ Phật giáo lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

 

Trước khi tiến hành Đại lễ, các đại biểu đã dành ít phút tưởng niệm các nạn nhân trong trận động đất vừa qua ở Trung Quốc. 

 

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức hàng năm với sự tham gia của đông đảo các Tông phái Phật giáo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới; là cơ hội, là nhịp cầu giúp cho tất cả những người anh em có tín ngưỡng Phật giáo được gặp gỡ nhau để tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật đồng thời chia sẻ và động viên nhau toàn tâm học tập, làm việc để đưa những tư tưởng tiến bộ của Đức Phật vào cuộc sống.

 

Chủ đề chính của Đại lễ Vesak 2008 là “Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Bên cạnh đó còn có những đề tài khác như: Sự thay đổi khí hậu toàn cầu, những mâu thuẫn trong gia đình, chiến tranh và hàn gắn, những thay đổi xã hội, vấn đề giáo dục của Phật giáo, Phật giáo nhập thế và Phật giáo trong giai đoạn kỹ thuật số. 

 

Tại buổi khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: Nhà nước Việt Nam tôn trọng và ủng hộ quyết định đúng đắn của Liên hợp quốc chọn ngày Tam hợp Đức Phật là ngày văn hoá tôn giáo thế giới, đồng thời khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo mang lại cho xã hội, trong đó có Phật Giáo. 

 

Chủ tịch nước cho biết: “Nối tiếp truyền thống gần 2.000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, thông qua hoằng dương Phật pháp vận động Tăng ni, Phật tử cả nước sống trong chánh tín, thực hiện đúng pháp luật Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già cả neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn…

 

Hy vọng Đại lễ năm nay sẽ là những cơ hội tốt để chúng ta tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, cùng nhau hợp tác xây dựng xã hội tốt đẹp, một Niết bàn trong thế giới hiện thực, góp phần ngăn chặn xung đột, hoá giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi nguy cơ đói nghèo, đau khổ trong đời sống xã hội, đưa con người tới cuộc sống an vui”. 

 

Đại lễ Vesak đã nhận được thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Nguyên thủ quốc gia của nhiều nước trên thế giới gửi thư tới chúc mừng.

 

Tham dự Đại lễ, nhiều đại biểu đến Việt Nam từ nhiều ngày trước và họ đều cảm nhận Việt Nam là đất nước tươi đẹp, mến khách. 

 

Hoà thượng Bhikshu True Dharma Sound ở chùa Doer Patk Monnastery, Mỹ cho biết: “Tôi đến Việt Nam được 10 ngày rồi, Hà Nội thật là đẹp, thật tuyệt vời. Ban tổ chức rất nhiệt tình đón tiếp. Đại lễ là cơ hội để nhiều đại biểu gặp gỡ trao đổi về các quan niệm trong đạo Phật. Vấn đề tôi quan tâm nhất là môi trường. Hy vọng, tại Đại lễ này, mọi người sẽ đoàn kết và thực hiện những vấn đề mà Đại lễ đưa ra”.

 

Còn Hoà thượng Panavndho Topper Bhikkhu, Petersburg, Nga cho biết: “Đất nước Việt Nam rất đẹp, hoà bình, ổn định. Tôi rất ấn tượng”. Hoà thượng cho biết, ông rất quan tâm tới giáo dục trong Phật giáo vì trên thế giới liên tục xảy ra các xung đột. Do đó, rất cần sự liên kết của cộng đồng để thế giới hoà bình và ổn định.

 

Hồng Hạnh