Khai hội Đền Hai Bà Trưng, tưởng nhớ hai nữ anh hùng dân tộc
(Dân trí) - Sáng 8/2 (mùng 6 tháng Giêng), tại khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh - Hà Nội) đã diễn ra lễ khai hội Đền trong không khí long trọng và tôn kính, thu hút hàng ngàn du khách và nhân dân địa phương.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu đoàn đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, nhà nước, các vị khách quý và đại diện các bộ, ban, ngành cùng hàng ngàn người dân, du khách… tham dự lễ khai hội, ôn lại và tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị nữ anh hùng dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Doan khẳng định: “Lễ hội Đền Hai Bà Trưng là một lễ hội có từ lâu đời của dân tộc ta. Việc thành kính tổ chức lễ hội hàng năm thể hiện được truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu của con dân đất Việt tới các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước. Qua lễ hội Đền Hai Bà Trưng này, chúng ta sẽ góp phần nâng cao lòng tự hào, tinh thần tự tôn và truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ với non sông nước Việt”.
Đền Hai Bà Trưng ngày khai hội
Sử sách còn ghi chép lại theo lời tương truyền trong dân gian, Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi có tên là Trưng Trắc và Trưng Nhị nổi tiếng văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí tự lập, quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Năm 19 tuổi, bà Trưng Trắc cùng ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (thị xã Sơn Tây ngày nay) kết hôn nên nghĩa vợ chồng. Một năm sau, vì là người có ý chí chống giặc Hán đô hộ nên ông Thi Sách bị viên quan Thái Thú nhà Hán là Tô Định giết.
Với ý chí căm thù, quyết đền nợ nước, trả thù nhà, ngày 6 tháng Giêng năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên), bà Trưng Trắc và bà Trưng Nhị đã dựng cờ khởi nghĩa kêu gọi nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm. Với sức mạnh của toàn dân tộc, chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng cùng nhân dân đã đánh tan quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, lấy lại độc lập chủ quyền cho đất nước.
Anh Thế - Quốc Đô