1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Dương:

"Khách sạn" tiền tỷ dành cho người nghèo

(Dân trí) – Nằm ở vị trí “đắc địa”, khuôn viên rộng rãi với 46 phòng nghỉ khang trang nhưng vợ chồng chủ khách sạn Ngọc Quý đã từ bỏ việc kinh doanh đang phát triển để biến khách sạn cao cấp thành nơi ở dành cho những người vô gia cư, cơ nhỡ.

Khách sạn tiền tỷ của người nghèo
Khuôn viên rộng hàng trăm m2 trong khách sạn Ngọc Quý giờ đã trở thành nơi nghỉ dưỡng của người nghèo khó

Năm 2002, tại vùng đất mới lên phường khi ấy còn là xã Hiệp An (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nổi lên một khu nhà nghỉ mang tên Ngọc Quý khang trang do ông Nguyễn Quang Sức và bà Đỗ Thị Quý ( đôi vợ chồng đã gần 70 tuổi, ngụ TPHCM) đầu tư xây dựng. Nhà nghỉ Ngọc Quý nhìn khá hoành tráng với 3 dãy phòng liền kề hình chữ U, cao 2 lầu, có sân rộng ở giữa. Tất cả đều được thiết kế rất bài bản, thẩm mỹ.  Số tiền mà vợ chồng chủ khách sạn này bỏ ra ước tính lên đến gần 2 tỷ đồng, tương đương 80 cây vàng thời đó.

Hơn 10 năm đi vào hoạt động, khách sạn Ngọc Quý luôn đảm bảo doanh thu. Có những ngày cao điểm lợi nhuận thu được gần chục triệu đồng. Công việc kinh doanh đang thuận lợi thì bất ngờ giới kinh doanh nhà nghỉ khách sạn tại Bình Dương “choáng” trước quyết định biến khách sạn Ngọc Quý thành cơ sở bảo trợ xã hội, là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc người vô gia cư, người già và trẻ mồ côi. Cơ sở này chính thức có quyết định thành lập của UBND thành phố Thủ Dầu Một cấp tháng 11/2012.

“Mới đây có người đến hỏi mua và trả khách sạn này 12 tỷ nhưng vợ chồng tôi không bán. Hiện nay cơ sở rộng 2.000m2 gồm 1 dãy nhà ba tầng và 1 dãy nhà cấp bốn với những phân khu chuyên biệt giành riêng cho độ tuổi khác nhau như khu dành cho người già, khu dành cho trẻ mồ côi. Ngoài ra cơ sở còn có phòng khám bệnh, văn phòng, phòng khách, bếp ăn và nơi dành cho các cụ già đọc kinh” – Bà Đỗ Thị Quý kể.

Những mảnh đời cơ nhỡ có nơi nương tựa
Những mảnh đời cơ nhỡ có nơi nương tựa
Những mảnh đời cơ nhỡ có nơi nương tựa

Lý giải về việc chuyển đổi “kỳ lạ” này, ông Sức tâm sự, ông vốn quê gốc ở vùng Ba Tri (tỉnh Bến Tre) nhưng từ nhỏ đã lên Chợ Lớn kiếm sống. Ông Sức làm đủ thứ nghề để mưu sinh qua ngày. Sau một thời gian làm lụng, chắt chiu, hai vợ chồng gom hết vốn liếng mua miếng đất ở phường Hiệp An để cất khách sạn kinh doanh. Trong một đêm trời mưa lớn, bất chợt trước cổng khách sạn Ngọc Quý xuất hiện hai mẹ con ngồi co ro, ôm nhau dưới mưa gió. Thấy thương tình, ông bà mời vào, dành cho một phòng nhưng hai mẹ con cứ rụt rè không dám ở vì không có tiền. Tuy nhiên, vợ chồng chủ khách sạn đã “miễn phí” toàn bộ cho hai mẹ con này.

Liên tiếp sau đó, vợ chồng ông Sức bắt gặp nhiều hoàn cảnh khác, đồng cảm trước số phận đáng thương của những người này, chủ khách sạn Ngọc Quý đã đi đến quyết định biến khách sạn thành nơi dành cho người nghèo.

Chị Phạm Thị Ng. (41 tuổi, quê Bình Thuận) kể, chị vốn bị dị tật ở chân, mấy năm trước, chị cùng cô con gái rời quê lưu lạc vào Bình Dương kiếm sống. Con gái chị, ban ngày làm công nhân, tối về phụ mẹ làm thêm nghề may cũng đủ sống qua ngày nhưng sau tết, chẳng may bị lừa đưa sang bên Trung Quốc làm vợ lẽ người ta. Một mình chị Ng. với cơ thể bị tật nguyền cộng với nỗi đau mất con khiến chị như gục ngã và không thể tự mưu sinh. Tưởng đã cùng đường, chị Ng. được một số người khuyên nên tìm đến khách sạn Ngọc Quý nương nhờ, vượt qua tháng ngày gian khó để chờ con gái trở về đoàn tụ.

Một hoàn cảnh khác là trường hợp của bà Huỳnh Thị H. (86 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cũng được đưa đến trung tâm bảo trợ Ngọc Quý dưỡng già. “Do con cháu đều khó khăn không đủ khả năng nuôi dưỡng nên tôi tìm đến đây. Ở đây bình yên lắm, được an nghỉ lúc cuối đời là tốt lắm rồi” – Bà H. tâm sự.

Những mảnh đời cơ nhỡ có nơi nương tựa
Vợ chồng ông Sắc từ bỏ việc kinh doanh thuận lợi và khách sạn tiền tỷ để đổi lấy những nụ cười trẻ thơ

Dù mới đi vào hoạt động được gần 1năm còn rất nhiều khó khăn nhưng hiện nay cơ sở đang nhận nuôi và chăm sóc trên 30 người (gồm các cháu nhỏ, người khuyết tật và cụ già neo đơn). Các cháu đến tuổi đều được đến lớp học như bao đứa trẻ khác, còn các cụ khi đau ốm được đưa đến bệnh viện chữa trị.

Ni sư Thích Nữ Chơn Ngữ được ông Sức bà Quý nhờ trông coi cơ sở và lo cái ăn cái mặc cho 30 người tại trung tâm. Cảm động trước tấm lòng của ông bà, có người đã tự nguyện đến cơ sở xin ở để phụ giúp việc nấu nướng như chị Nông Thị Khuyến. Những người trong khu phố người cho gạo, người cho rau, giúp đỡ thêm phần nào cho cơ sở và cho đời sống của những hoàn cảnh cơ nhỡ, đáng thương.

Phúc Yên