"Khách nước ngoài đến du lịch nhưng ngủ lều, khai báo tạm trú thế nào?"
(Dân trí) - "Hà Giang có nhiều người nước ngoài tới du lịch, ngủ lều bạt hoặc hang động. Trường hợp này, việc khai báo tạm trú với người nước ngoài thuộc trách nhiệm cơ quan nào?", ĐBQH Vương Thị Hương hỏi.
Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài khai báo tạm trú, đồng thời quy định trách nhiệm của người nước ngoài là cung cấp thông tin hộ chiếu, giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam.
Việc bổ sung quy định này, theo đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang), sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài.
Tuy nhiên, bà băn khoăn trước thực tế tại một số địa phương có nhiều trường hợp người nước ngoài không nghỉ tại cơ sở lưu trú cụ thể mà nghỉ tại nơi công cộng.
"Như Hà Giang, người nước ngoài tới du lịch, họ ngủ tại các lều bạt hoặc hang động. Trong trường hợp này, việc thực hiện khai báo tạm trú đối với người nước ngoài thuộc trách nhiệm cơ quan, tổ chức nào?", bà Hương đặt câu hỏi.
Dự báo lượng người nước ngoài sẽ tăng trong thời gian tới, nữ đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể về việc khai báo tạm trú đối với người nước ngoài ngủ, nghỉ tại các nơi công cộng, tránh trường hợp bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đặc biệt là trường hợp là tội phạm quốc tế bị các nước truy nã.
Liên quan Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) đánh giá đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế từ thị trường xa. Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm xúc tiến đầu tư...
Trong khi đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng Việt Nam mở cửa du lịch sau đại dịch sớm hơn rất nhiều các nước ASEAN, nhưng lại không đạt được thành quả như họ. "Đó là vì chính sách visa chưa đủ cởi mở", theo ông Lộc.
Với quy định nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực, ông Lộc đề nghị nâng lên tối thiểu 15 đến 60 ngày, vì mức 45 ngày chỉ là mức bình quân trong khu vực.
"Mục tiêu bình quân trong khu vực không còn là tiêu chuẩn của chúng ta. Tiêu chuẩn của chúng ta là vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN, trong mọi lĩnh vực", ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân hiện nay là 25 nước là thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Vì thế, vị đại biểu đề nghị mở rộng diện đơn phương miễn thị thực trong đợt này, đồng thời với việc mở rộng danh sách cho áp dụng thị thực điện tử.
Phát biểu sau khi nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, cho biết sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo luật.