Khách mang dao lên máy bay, chuyến bay có thể bị uy hiếp như thế nào?
(Dân trí) - "Dao có thể được sử dụng để tấn công trên máy bay; có thể uy hiếp, bắt giữ con tin, buộc tổ lái phải thực hiện theo ý định của người tấn công" - ông Trần Tuấn Linh - Phó Chủ tịch VAAST - cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí về việc hành khách mang những vật phẩm nguy hiểm lên máy bay, ông Trần Tuấn Linh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam - nhấn mạnh về nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn hàng không và vấn đề về kiểm soát soi chiếu.
"Mổ xẻ" quy trình kiểm soát an ninh soi chiếu
Ngày 18/7, trên chuyến bay từ TPHCM tới Hà Nội, tổ tiếp viên phát hiện một trường hợp hành khách sử dụng dao gọt hoa quả. Đây là vật phẩm nguy hiểm nằm trong danh mục cấm mang lên máy bay nhưng lại lọt qua cửa kiểm soát an ninh tại Tân Sơn Nhất. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
- Việc cấm mang các vật phẩm nguy hiểm lên máy bay nằm trong quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO). Thường các vật phẩm bị cấm được in trên vé máy bay, được thông báo khi làm thủ tục hàng không. Tuy nhiên, có những trường hợp hành khách không đọc, không quan tâm; có người đọc quy định nhưng vẫn cố tình mang theo; nhưng cũng có người không hiểu hoặc vô tình mang theo vật phẩm bị cấm.
Trường hợp ngày 18/7, từ hình ảnh video về hai hành khách lớn tuổi ngồi trên máy bay và sử dụng dao gọt hoa quả, tôi cho rằng đó là sự vô tình chứ hành khách không cố ý.
Nếu là vô tình thì chỉ nên nhắc nhở hành khách, không nên xử phạt; cần tuyên truyền thêm về an ninh, an toàn hàng không để hành khách hiểu, từ đó nâng cao về ý thức của hành khách đi máy bay; đồng thời siết chặt hơn quy định thực thi nhiệm vụ của nhân viên an ninh hàng không.
An ninh an toàn là yêu cầu số một trong lĩnh vực hàng không, nhà chức trách đưa ra các quy định kiểm soát rất ngặt nghèo, kết hợp song song cả về con người và thiết bị. Là người có rất nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực hàng không, xin ông cho biết hoạt động kiểm soát an ninh bằng máy soi chiếu tại cảng hàng không - sân bay như thế nào?
- Máy soi chiếu an ninh khi hoạt động thể hiện hình ảnh 3D rất rõ ràng, có độ chính xác rất cao. Tuy nhiên tôi cho rằng không thể đảm bảo 100% tất cả hành lý và vật phẩm nguy hiểm đi qua máy soi đều phát hiện được, vẫn có thể bị lọt.
Trường hợp vật phẩm nguy hiểm bị lọt có thể do để trong túi đựng các đồ dùng là kim loại, khi đồ dùng trong hành lý xách tay chồng lấp lên nhau, hoặc đựng chung trong cùng một hộp đồ thì máy soi chiếu cũng khó kiểm soát, không thể quét được vật phẩm nguy hiểm. Chưa kể, trong thời đại công nghệ phát triển, có những món đồ được sản xuất bằng vật liệu đặc biệt có khả năng "tàng hình" hoặc chống cản lại việc kiểm soát của máy soi chiếu.
Nhà chức trách quy định việc kiểm soát trực tiếp trên cả hành lý và hành khách. Tuy nhiên, do lưu lượng hành khách quá đông thì tỷ lệ kiểm tra trực tiếp cũng có thể gây ùn ứ, tắc nghẽn ở khu vực kiểm soát an ninh sân bay. Do đó, hiện quy định kiểm tra trực quan chỉ áp dụng với đối tượng hành khách nhạy cảm; thời điểm nâng cấp độ kiểm soát an ninh hàng không như lễ tết, Quốc khánh; những tình huống có nguy cơ tấn công khủng bố và gây rối trật tự…
Nhiều người cho rằng, để lọt vật phẩm nguy hiểm lên máy bay có trách nhiệm rất lớn của lực lượng an ninh soi chiếu. Theo ông cần làm rõ trách nhiệm ở đây như thế nào?
- Về nguyên tắc, đã là vật phẩm nguy hiểm có khả năng gây sát thương thì phải kiểm soát chặt và phải loại bỏ.
Tôi cho rằng, trách nhiệm của lực lượng an ninh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả chủ quan và khách quan. Kiểm soát an ninh hàng không chặt chẽ hay không liên quan tới việc đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; nhân viên an ninh có nhanh nhẹn, thành thục các thao thác kiểm soát an ninh hay không là tùy thuộc kỹ năng, tác phong công việc…
Theo quy định, mỗi hành khách thông qua cửa kiểm soát chỉ từ 15-30 giây, nếu vượt qua thời gian cho phép sẽ gây ra ùn ứ rất lớn. Trong điều kiện hành khách tăng cao, cần kết hợp giữa kiểm soát an ninh bằng máy móc và kiểm soát trực tiếp một cách hợp lý. Thực tế là khi tăng cường kiểm tra trực tiếp thì vật phẩm nguy hiểm lọt cửa kiểm soát an ninh lên máy bay càng ít.
Không ai có thể khẳng định việc soi chiếu an ninh đảm bảo 100% không để lọt các vật phẩm nguy hiểm, nhất là các vật phẩm nhỏ. Ở Việt Nam hay trên thế giới, với lượng khách qua cảng hàng không rất lớn thì các nhân viên an ninh không thể kiểm tra một cách tuyệt đối từng hành khách, từng kiện hành lý.
Bản thân tôi khi đi nước ngoài từng mang theo bấm móng tay, vật phẩm có lưỡi dao nhỏ có thể nguy hiểm, tuy nhiên tôi vẫn qua được cửa soi chiếu an ninh của nhiều nước, cũng có nước kiểm soát chặt thì họ thu giữ.
Hàng không Việt Nam 25 năm qua luôn an toàn tuyệt đối
Khi mang những vật phẩm nguy hiểm như dao lên máy bay thì nguy cơ đe dọa tới an ninh, an toàn hàng không như thế nào? Ông có thể dẫn chứng về các trường hợp cụ thể?
- Nguy hiểm là rất rõ. Dao có thể được sử dụng để tấn công trực tiếp hành khách hoặc tổ bay; có thể uy hiếp, bắt giữ tổ lái làm con tin để buộc phải thực hiện theo ý định của người tấn công.
Trên thế giới đã từng xảy ra nhiều trường hợp khách sử dụng vật phẩm nguy hiểm để tấn công trên máy bay. Tất cả những vật phẩm nguy hiểm được in trên vé, yêu cầu cấm mang lên máy bay là những vật từng gây ra nguy hiểm và được ICAO đưa vào quy định bắt buộc phải thực hiện nghiêm.
Đơn cử như có giai đoạn khách đi máy bay bị cấm mang theo nước lọc, chất lỏng, nước hoa, sữa các loại hoặc bị giới hạn dung lượng chất lỏng mang theo. Quy định đó được đưa ra sau khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Cơ quan điều tra phát hiện trường hợp mang theo nước lọc lên máy bay và sử dụng nước lọc để pha chế chất nổ.
Sau thời điểm đó, các thiết bị được nâng cao về sự chính xác trong kiểm soát an ninh nên có thể loại bỏ được các nguy cơ. Vì vậy, nhà chức trách các nước đã sửa đổi quy định, trong đó có Việt Nam, bỏ việc cấm hành khách mang theo chất lỏng trên các chuyến bay nội địa.
Ở Việt Nam đã từng ghi nhận những sự việc điển hình nào về sử dụng vật phẩm nguy hiểm trên máy bay, đe dọa tới an ninh, an toàn hàng không, thưa ông?
- Có một điều đặc biệt của hàng không Việt Nam là suốt 25 năm qua luôn được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Việt Nam chưa từng xảy ra tai nạn máy bay, trên các chuyến bay cũng chưa từng xảy ra các vụ tấn công hay bắt cóc con tin có sử dụng vũ trang, vật phẩm nguy hiểm trên máy bay.
Một minh chứng rõ ràng nhất về an ninh an toàn hàng không Việt Nam là việc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho nhà chức trách hàng không Việt Nam, cấp phép cho các hãng hàng không Việt Nam khai thác đến Mỹ.
FAA khi kiểm tra, đánh giá về hàng không Việt Nam có sự quan tâm đầu tiên và đặc biệt nhất là vấn đề an ninh, an toàn. Phía Mỹ phải chắc chắn kiểm soát rất kỹ về các báo cáo, thống kê về an ninh an toàn của hàng không Việt Nam trong vài chục năm trở lại đây.
Mỹ và các tổ chức quốc tế thường coi các hãng hàng không là một nhà vận chuyển, nhưng họ đánh giá cao nhất và rất chặt chẽ về năng lực của Cục Hàng không Việt Nam. Họ phải chắc chắn rằng nhà chức trách hàng không Việt Nam có đủ năng lực kiểm soát và triển khai các yêu cầu ngặt nghèo về an ninh an toàn hàng không thì mới công nhận và cấp CAT1.