Khắc phục xong "ruộng bậc thang" trên quốc lộ 5
(Dân trí) - Tình trạng "ruộng bậc thang" trên QL5 phải được khắc phục xong trước 31/7. Thực hiện đúng yêu cầu đó của Bộ trưởng GTVT, 10km đường sụt lún trên tuyến đường này đã được sửa chữa đúng tiến độ với sự tập trung cao nhất về nhân lực, vật lực.
Quy trình trộn các thành phần cấp phối được tự động hóa khép kín
Được biết, lần sửa chữa này sử dụng thiết kế cấp phối mới theo hướng dẫn mới của Bộ GTVT. Cụ thể là sẽ sử dụng hạt cấp phối lớn hơn và lượng nhựa giảm đi.
Việc khắc phục tình trạng “ruộng bậc thang” trên quốc lộ 5 được tiến hành trên đoạn đường dài 10km với bề rộng mặt đường được thực hiện là 3,3m. Công trình được tính kéo dài từ km 94 đến km 104. Toàn bộ kinh phí sửa chữa đều do nhà thầu phải chi trả, kể cả những đoạn xung yếu tại các nút giao thông, đường cua lượn.
Tập trung nhân lực và vật lực sửa chữa "ruộng bậc thang" trên đường 5
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Trọng Hiệp, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án 3 cho biết, lộ trình khắc phục sụt lún "ruộng bậc thang" trên QL5 bắt đầu từ 5/7 và đã được nghiệm thu hoàn tất vào lúc 4h sáng ngày 29/7, theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Để đảm bảo được tiến độ, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu nhà thầu phải huy động nhân lực, vật lực tối ưu để tập trung thi công. Cụ thể hơn 100 người cùng với các phương tiện có công suốt cao đã được điều động đến công trường. Quá trình thi công, nhà thầu phải nỗ lực đảm bảo tiến độ trong hoàn cảnh thời tiết bất lợi. Mưa nhiều gây gián đoạn và đe dọa trực tiếp đến chất lượng công trình. Vì thế trong điều kiện thuận lợi, công nhân phải tập trung làm việc từ 14 - 16 tiếng, cá biệt có hôm 20 tiếng.
Các công đoạn thi công được cán tổng cục đường bộ cử cán bộ giám sát nghiêm ngặt
Lý giải về lo ngại trong tình trạng sụt lún trên tuyến đường này có thể sẽ tái diễn, kỹ sư thi công Trần Văn Tào cho biết, với lưu lượng xe, đặc biệt là xe có tải trọng lớn lưu thông ngày càng gia tăng trên tuyến đường này thì việc đảm bảo không có lún đường là rất khó nói trước. Việc sửa chữa chỉ là giải pháp tình thế với tuyến đường đặc trưng này. Có những vị trí đặc biệt như cầu An Đồng, nhà thầu đã sửa chữa đến 5 lần vì lún sụt trên mặt đường vừa mới thi công. Kiến nghị của bên thi công là thay đổi vật liệu kết dính mà cụ thể là nghiên cứu sử dụng vật liệu polimer, đắt hơn nhưng sẽ bền hơn. Đây là công nghệ phổ biến mà thế giới đang sử dụng cho các tuyến đường cao tốc và đường có lưu lượng xe lớn như quốc lộ 5.
Nói về việc tình trạng "ruộng bậc thang" trên QL5 được khắc phục, anh Trần Hà Nam, một người dân sống trên đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Hải Phòng phấn khởi: "Chúng tôi hoan nghênh tinh thần quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT đã cho sửa chữa đường trong thời gian ngắn nhất. Nhìn tuyến đường mới được sủa chữa bằng phẳng, những hằn lươn gồ ghề đã bị xóa bỏ, dân chúng tôi thấy tin tưởng, phấn chấn".
Thu Hằng