Khả năng xuất hiện lũ lớn ở các tỉnh Trung bộ
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, từ hôm nay (27/10), các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; đợt mưa này có khả năng kéo dài 2-3 ngày.
Theo Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN, Bộ Chỉ huy BĐPB các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, tính đến 22 giờ ngày 26/10 đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số hơn 1.800 tàu với gần 16.200 lao động hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Hiện khu vực quần đảo Hoàng Sa chỉ còn 2 tàu với 28 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, có 1 tàu đang vào trú tại đảo Tri Tôn, 1 tàu đang di chuyển lên phía Bắc và xin vào đảo Hải Nam trú bão. Ngoài ra có 5 trong 7 tàu ở khu vực Hoàng Sa đã về đến Lý Sơn (Quảng Ngãi) an toàn.
Các khu vực khác có hơn 700 tàu với gần 5.000 ngư dân đang hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Theo nhận định của Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong ngày hôm nay (27/10), mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế sẽ lên. Các sông trong khu vực Trung Trung bộ có khả năng xuất hiện lũ với đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế ở mức báo động 2 đến báo động 3; các sông từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ở mức báo động 1, có sông trên báo động 1.
Theo thông tin từ tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương này đã có kế hoạch sơ tán dân, dự kiến hơn 23.00 hộ với hơn 88.800 khẩu cần sơ tán. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị đã họp để có kế hoạch sơ tán dân, sáng nay Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Bình đã họp bàn kế hoạch chi tiết.
Thanh Hóa cũng là một trong các tỉnh có thể phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8, mức độ nguy cấp có thể tái diễn như hoàn lưu cơn bão số 5 năm 2007. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống bão. Đến sáng nay, toàn bộ số tàu thuyền và lao động đang hoạt động trên biển đã được thông báo về tình hình cơn bão.
Đến thời điểm này, hầu hết hồ đập trên địa bàn tỉnh đã đầy nước và gần đạt cao trình tích nước, trong đó có hơn 100 hồ thủy lợi nhỏ đã xuống cấp cần đặc biệt quan tâm.
Đến thời điểm này, các điểm đê sông Chu bị sạt, trượt đã được gia cố, đạt khối lượng thực hiện 90%; các điểm đê bao, đập bị vỡ ở các xã Quảng Phú, Thọ Lập (Thọ Xuân) trong đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua đã được khắc phục.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, chiều 26/10, tỉnh TT-Huế đã tổ chức họp với BCH PCLB&TKCN để rà soát, chỉ đạo công tác phòng chống. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, phối hợp với các địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn liên lạc, đài trực canh kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi trú ẩn; Tổ chức sắp xếp neu đậu an toàn, kiên quyết ngăn chăn không cho tàu ra khơi hoạt động khi có bão. Hiện tại không còn phương tiện nào đánh bắt cá trên biển.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 11.500 hộ dân vùng biển, ven đầm phá phải di dời trong mùa mưa bão. Địa phương đã chuẩn bị các phương án để người dân vùng có nguy cơ sạt lở cao được bảo đảm an toàn.
Tình hình hồ chứa nước, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh ổn định, vận hành theo phương án phòng chống lụt bão đã phê duyệt. Theo ông Trần Kim Thành, Phó trưởng ban Chỉ huy phòng PCLB&TKCN tỉnh: “Nếu với tổng lượng mưa 300mm, mức nước tại hai đồ thủy điện lớn của tỉnh là Bình Điền và Hương Điền mới chỉ đạt đat cao trình nước dâng bình thường nên yên tâm sẽ không có lũ lớn ở vùng hạ du trong cơn bão này. Tuy nhiên, cần đảm bảo các yếu tố vận hành liên hồ và an toàn hệ thống hồ đập, nhất là các hồ thủy lợi mới thi công xong và hồ đang thi công như Tả Trạch”.
Hồ Tả Trạch vừa mới hoàn thành - một vị trí trọng yếu cần được bảo vệ tốt trong bão số 8 (ảnh: Cổng thông tin Bộ NN&PTNT)