1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Kết quả bước đầu đợt khai quật ngôi đền cổ bị chôn vùi trong cát

(Dân trí) - Sáng ngày 8/1, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, Bảo tàng tỉnh này cùng UBND huyện Kỳ Anh đã tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật ngôi đền cổ bị vùi lấp sâu trong cát tại Cồn Chỏi, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh.

Theo báo cáo sơ bộ kết quả khai quật đền cổ, vết tích ngôi đền vừa được phát hiện là ngôi đền cổ, có hệ thống tường được xây bằng gạch nung, gồm 2 cột nanh có chiều cao 1,80m, đế rộng 0,36m x 0,36m gắn với tường dài 1,50 m, cao 0,95 m; phần đầu cột có 2 con Nghê được trang trí hoa văn rất đẹp; trước mỗi bức tường đắp nổi một con ngựa hình thế cân đối hài hoà, có kích thước chiều dài 1,1m, chiều cao 0,75;
 
Kết quả bước đầu đợt khai quật ngôi đền cổ bị chôn vùi trong cát - 1
Hai câu đối bằng chữ Hán trước cổng đền còn rất rõ
 
Cổng vào đền chiều rộng 1,70m hai bên tả hữu là 2 cột nanh gắn với tường có chiều cao 2,85 m; chân đế trụ hình vuông kích thước 0,60m x 0,60m cao 0,35m; phía trước đắp nỗi hai câu đối chữ Hán gắn bằng mảnh sứ men lam “Kình thiên nam đối cao sơn thọ; Tiếp địa đông lai đại hải trường” (Ngôi đền này phía Nam đối mặt với núi cao đời đời; phía Đông tiếp đất lại có biển lớn, dài);
 
Kết quả bước đầu đợt khai quật ngôi đền cổ bị chôn vùi trong cát - 2
Hình tượng rồng phía trước tắc môn. Rồng được đắp, trang trí hoa văn bằng sành.
 
Cách cổng đền 1,35m là tắc môn hình chữ nhật kích thước đế 1,44m x 0,50m x 0,23m, thân có kích thước 1,30m x 0,38m; phía trước tắc môn đắp hình hổ phù được trang trí hoa văn bằng bằng mảnh sành sứ, mắt hổ gắn bằng thuỷ tinh làm cho hình tượng hổ có thần thái rất oai nghiêm và hùng dũng.
 
Ngoài ra, xung quanh khu vực đền có nhiều hiện vật cổ như: gạch, ngói mũi, bình vôi, đĩa sứ được trang trí hao văn lá cây, tất cả các hiện vật cổ gắn liền với di tích đều mang dấu ấn chế tác thời Nguyễn.
Kết quả bước đầu đợt khai quật ngôi đền cổ bị chôn vùi trong cát - 3
Bình gốm bằng sứ dù đã bị vỡ nhưng vẫn còn nguyên giá trị văn hóa
 
Phía sau đền 4 cây Chỏi đường kính 0,40m có niên đại tương đồng với ngôi đền, thân cây và ngôi đền bị vùi lấp dưới cát sâu gần 6m nhiều chục năm thậm chí hàng trăm năm.
Kết quả bước đầu đợt khai quật ngôi đền cổ bị chôn vùi trong cát - 4
Cây chỏi phía sau ngôi đền được khẳng định được trồng cùng thời với ngôi đền, niên đại lên đến hàng trăm năm

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất là lịch sử hình thành ngôi đền đã bước đầu được lý giải tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật này. Theo đó, căn cứ vào các hạng mục công trình, các hiện vật mà nhóm khảo cổ khai quật được có thể khẳng định, ngôi đền mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thờ một vị thần theo nghi thức truyền thống vùng Hà Tĩnh.

Nguyên nhân khiến ngồi đền bị bỏ quên trước khi bị cát vùi lấp cũng đã được các nhà chuyên môn nhận định tại buổi báo cáo sơ bộ này. Theo đó, vết tích ngôi đền vừa được phát hiện là đền Đức Ông, thuộc Cồn Chỏi, làng Trảo Nha, tổng Đậu Chữ (nay là thôn Tiến Thành, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), một làng cổ có nhiều dòng họ sinh sống như họ Hồ, Tô, Hoàng, Trần, Đào, nhưng định cư lâu đời nhất tại ngôi làng cổ này là dòng họ Tô, đã trải qua 9 thế hệ khoảng 200 năm. Do biến động của lịch sử vào những năm giữa thế kỷ XX dân làng đã phiêu tán ra các vùng khác định cư, vì vậy khu Cồn Chỏi nơi có đền Đức Ông dần trở nên hoang vắng. Bị lãng quên, theo năm tháng ngôi đền bị cát vùi lấp.  
 
Kết quả bước đầu đợt khai quật ngôi đền cổ bị chôn vùi trong cát - 5
Toàn cảnh ngôi đền cổ nhìn từ phía sau
 
Cũng tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật các nhà chuyên môn nhận định, ngôi đền cổ thờ thần, nhưng hiện chưa rõ ngôi đền được lập thờ nhân thần hay nhiên thần.
 
Ông Võ Hồng Hải - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh - cho hay, các kết quả thăm dò khảo cổ tại di tích đền Đức Ông sẽ góp thêm cơ sở khoa học vững chắc cho việc nghiên cứu lập dự án “Bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di tích Đức Ông” đảm bảo tính chân xác trong trùng tu di tích.
 
Clip toàn cảnh ngôi đền cổ sau khi được khai quật

Văn Dũng - Xuân Bắc