Kết nối cơ sở dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư là câu chuyện dài
(Dân trí) - "Dữ liệu hộ tịch của chúng tôi là dữ liệu sống, "nuôi" cho dữ liệu quốc gia về dân cư. Bản thân chúng tôi và Bộ Công an đồng tâm hiệp lực để có cơ sở dữ liệu tốt nhất phục vụ người dân"
Tại cuộc họp báo chiều 2/4, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) đã thông tin về việc kết nối thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý.
Theo ông Hải, trước đây Bộ Tư pháp triển khai phần mềm thí điểm đăng ký khai sinh và chưa có đầu tư bài bản. Sau khi nhân rộng thực hiện ở 63 địa phương trên cả nước thì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. "Khi địa phương nhập dữ liệu vào thì nó phình ra, chưa đáp ứng được"- ông nói.
Bộ Tư pháp đã có chỉnh sửa phần kết nối dữ liệu giữa 2 bộ để làm sao đáp ứng được về kết nối giữa dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư.
"Để xin được một dự án đầu tư công về dữ liệu như thế này rất vất vả. Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan để có đầu tư bài bản, để có kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư. Dữ liệu hộ tịch của chúng tôi là dữ liệu sống, "nuôi" cho dữ liệu quốc gia về dân cư. Bản thân chúng tôi và Bộ Công an đồng tâm hiệp lực để có cơ sở dữ liệu tốt nhất phục vụ người dân"- ông Hải nói.
Dù vậy, ông Hải thừa nhận đây là câu chuyện lâu dài, vì quá trình thực hiện còn nhiều công đoạn, vấn đề kỹ thuật, ai sẽ là chủ đầu tư,…
Trong khi đó, đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) phản ánh, sau khi Bộ Công an khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì Bộ Tư pháp đang tiếp tục phối hợp để nghiên cứu việc kết nối toàn diện hơn, vì trước đây chỉ kết nối về số định danh và chuyển một số thông tin.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tư pháp cho biết Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã dần được đồng bộ tại 63/63 địa phương cung cấp dữ liệu xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/3/2021 đã có hơn 1.000.000 hồ sơ đăng ký khai sinh mới và khai sinh lại; gần 150.000 hồ sơ đăng ký kết hôn; hơn 140.000 hồ sơ đăng ký khai tử; khoảng 64.000 hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác; cung cấp dữ liệu xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Như Dân trí đã phản ánh, Bộ Công an cho biết từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành (1/7 tới), Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp và thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Còn Nghị định số 37/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân (có hiệu lực từ ngày 14/5/2021) đã quy định về trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân (12 số ghi trên giấy khai sinh và Căn cước công dân - PV) đối với công dân đã đăng ký khai sinh.
Theo đó, công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đầy đủ thì trong văn bản thông báo cần yêu cầu công dân bổ sung thông tin cho Công an xã, phường, thị trấn nơi mình đang cư trú để thực hiện cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.