1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bàng hoàng thủy điện Bản Vẽ

(Dân trí) - Rừng núi Tương Dương sáng sớm nay ken dày sương trắng, đôi ngã Nậm Nơn - nơi khởi nguồn của dòng sông Lam - như ngưng chảy trước tang tóc kinh hoàng: 17 công nhân, 1 kỹ sư đã bị đá lở vùi sâu dưới chân công trình thủy điện lớn nhất xứ Nghệ.

>> Sập núi đá, vùi chết 18 công nhân
>> Thủ tướng gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân

Thường lệ, 4 giờ sáng ở công trình thủy điện Bản Vẽ (xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) sương vẫn ôm trắng núi trời; anh em chiến sỹ, công nhân còn chìm trong giấc ngủ; quán sá cửa đóng then cài. Nhưng, mờ sáng nay, nhiều tuyến đường cheo leo đầy tiếng xe ngược xuôi lên đỉnh núi; cả khu quán hàng phục vụ công nhân lao động, và cả Đồn công an bảo vệ công trường thủy điện Bản Vẽ đều thao thức.

Tính đến đầu giờ chiều ngày 16/12, vẫn chưa có tin tức nào thêm về các nạn nhân. Nhưng theo một số anh em công nhân của Công ty Sông Đà 2, khi gọi điện liên lạc với số máy của một công nhân lái máy xúc nằm trong đống đổ nát, vẫn thấy có chuông đổ, nhưng không ai cầm máy. 

Tất cả anh em chiến sỹ ở đây suốt đêm qua không chợp mắt” - Trung tá, Phó trưởng Công an huyện Tương Dương, Trưởng đồn bảo vệ công trình thủy điện Bản Vẽ, Cao Đức Sáng cho biết. “Tai nạn diễn ra quá nhanh. Nơi xảy ra vụ lở núi cách đồn 4 cây số nên khi chúng tôi có mặt thì cả ngọn núi đổ xuống, cây cối, đất đá ngổn ngang. Dưới ngọn đồi ấy, 18 anh em công nhân đã vĩnh viễn ra đi…” - Trung tá Sáng nấc nghẹn.

6h sáng, khi làn sương đặc ngớt dần, chúng tôi bắt đầu ngược lên hiện trường vụ lở núi. Hàng trăm con người, chủ yếu là lực lượng cứu hộ, hối hả triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân với tâm trạng buồn bã và bàng hoàng.

Mất 30 phút đi bộ, vượt núi, chúng tôi có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. “Thật kinh hoàng. Thế này thì chẳng còn hy vọng một ai trong số 18 công nhân bị vùi lấp may mắn sống sót nữa” - anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi thốt lên xót xa trước hơn nửa triệu m3 đất đá sạt lở.

Bàng hoàng thủy điện Bản Vẽ - 1

Anh em công nhân thẫn thờ trước nỗi đau quá lớn.

Tại hiện trường, con đường đất nhỏ cho xe chở đá bị những tảng đá lớn rơi xuống chắn ngang. Cả quả núi lớn bị lở ngổn ngang, nhiều tảng đá còn treo lơ lửng trên đỉnh núi như chực trút xuống bất cứ lúc nào. Hàng trăm công nhân, lực lượng cứu hộ và cả Ban chỉ đạo công tác cứu nạn tỉnh Nghệ An không khỏi lo lắng, cố tìm cách dọn hết hơn 500.000m3 đất đá để đưa các anh về nơi yên nghỉ.   

Bần thần trước vong linh những người bị nạn, anh Dữ (quê huyện Hưng Hà - Thái Bình), người may mắn thoát nạn, vẫn chưa thể tin là vì sao mình lại sống sót. “Khi ấy, khoảng 10h20, chúng tôi đang trực ca trên mỏ, bỗng nghe tiếng sụt kinh hoàng. Chỉ tích tắc thôi, toàn bộ ngọn núi đổ sập xuống, kéo theo những tảng đất, đá lớn, bụi bay mịt mù. Khi chúng tôi chạy ra thì không thấy bóng anh em công nhân nào trên đó nữa, tất cả đã bị đất đá vùi lấp”.   

Hai chiếc bàn thờ của hai công ty (Sông Đà 5 và Sông Đà 2) được dựng tạm ngay dưới chân núi khói hương nghi ngút. Không có di ảnh của 18 nạn nhân. Trưa nay (16/12), những người thân của các nạn nhân đã kịp đến hiện trường.

Bàng hoàng thủy điện Bản Vẽ - 2

Bàn thờ lập vội cho những nạn nhân xấu số.

Bên bàn thờ của Công ty Sông Đà 5, anh Đinh Chí Thành - cậu của nạn nhân Phạm Văn Hải (SN1978, quê Nghệ An) - ứa lệ: “Cả nhà đang ngồi ăn cơm thì mấy đứa hàng xóm xem báo trên mạng về bảo trong danh sách công nhân tử nạn có tên của Hải. Mẹ Hải đã xỉu ngay tại chỗ. Trong đêm 15, anh em bạn bè của Hải tức tốc bắt xe lên Tương Dương nhưng cũng chỉ biết bất lực đứng nhìn”. Anh Thành kể thêm, gia đình Hải có 6 anh em. Hải là con cả. Trước ngày xảy ra tai nạn, Hải có về bàn gia đình chuẩn bị cho việc cưới vợ. Thể mà giờ đã thành người thiên cổ...   

Cũng ở bàn thờ của Công ty Sông Đà 5, nhiều anh em công nhân và cả cánh báo chí không thể cầm được nước mắt trước những hoàn cảnh éo le khác: Anh Vũ Văn Mười, quê Nam Định, tuổi trên 40 mới cưới vợ. Vợ anh vừa sinh cho anh một đứa con trai, nhưng do thiếu tháng nên cháu đã chết trước ngày anh gặp nạn đúng 3 tháng. Còn anh Hoàng Anh Vũ, cũng mới cưới vợ được 25 ngày, nay đành bỏ xác ở công trường, để lại người vợ trẻ trong cảnh góa bụa...  

Gồng mình cứu hộ, cứu nạn

Sáng sớm nay, công tác cứu hộ, cứu nạn được triển khai quyết liệt. Ban chỉ đạo xử lý sự cố lở núi đá đã huy động gần 300 binh lính, dân quân cùng 30 máy đào, xúc, múc; hàng chục máy khoan đủ kích cỡ; thuốc nổ, mìn… sẵn sàng cho cuộc “tập kích” đồi D3 trong chiều tối nay, 16/12.  

Bàng hoàng thủy điện Bản Vẽ - 3
 Công nhân cật lực khoan đá để đặt mìn cho công tác khai phá.

3 giờ chiều nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.

Hiện công tác đặt mìn, mở núi, lấy cả triệu m3 đất trong bán kính trên 500m gặp rất nhiều khó khăn. Dự tính, để bốc hẳn đống đổ nát này không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai mà có thể lên đến cả tháng trời.  

 

* Một số hình ảnh công tác cứu hộ, cứu nạn:

 

Bàng hoàng thủy điện Bản Vẽ - 4

Những nắm cơm nén vội cho các anh.

 

Bàng hoàng thủy điện Bản Vẽ - 5

Hàng chục xe cộ, máy móc sẵn sang hoạt động hết công suất cho việc khoan, xúc đá tìm nạn nhân.

 

Bàng hoàng thủy điện Bản Vẽ - 6

Một cuộc hội ý cấp tốc dưới chân núi D3 cho công tác triển khai nổ mìn chiều 16/12.

 

Bàng hoàng thủy điện Bản Vẽ - 7

Đội ngũ y bác sĩ túc trực hai ngày nay tại hiện trường để kịp thời cấp cứu.

Văn Dũng - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm