“Kéo lưới” trên cạn
(Dân trí) - Hai người đàn ông túm hai đầu dây thừng, ra sức vừa kéo vừa giũ sợi dây. Vòng vây từ từ khép chặt. Đàn châu chấu bay loạn xạ rồi nương theo chiều gió chui tọt vào tấm lưới đã giăng sẵn ở bờ ruộng.
Đi “mót” lộc trời
Sau cơn mưa, đường ra đồng lúa Vệ Giá (Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An) nhão nhoét. Tôi trầy trật mãi mới bám được xe của nhóm anh Tạ Văn Cả, anh Hồ Văn Thiệp (quê xã Quỳnh Trang, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Hai người đàn ông chở nào bì, nào lưới, nào cọc gỗ, dây thừng lại vắt vẻo thêm 2 bà vợ phóng vun vút. Hai chiếc xe dừng lại. Hai bà vợ nhảy xuống. Toàn bộ đồ đoàn cũng được vứt xuống đất.
Vợ anh và vợ anh Thiệp là chị em ruột. Đất Quỳnh Trang ít ruộng, lại không có công việc làm thêm. Gặt hái xong, hai gia đình góp tiền mua sắm đồ đoàn đi bắt châu chấu. Sáng mờ mắt đã đi, cứ phóng xe, đến chỗ nào người ta thu hoạch lúa xong thì cắm sào xuống. Khi thì mạn Diễn Châu, Yên Thành, khi thì Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, có khi còn phóng xe sang tận Hà Tĩnh. Anh Thiệp bảo, cái nghề “kéo lưới cạn” này cũng vất lắm, đừng tưởng ngày thu nhập vài ba triệu mà thấy ngon ăn. Có chứng kiến mới thấy, đúng là không phải tự nhiên mà “hốt” được lộc trời.
“Cái anh cào cào, châu chấu này sinh sôi nhiều thì nó ăn tàn lắm. Cây cối, hoa màu, đến cả cỏ cũng bị chúng “đá” trụi luôn. Nhưng nó ăn cây cỏ nên sạch sẽ, lành lắm. Nghe bảo ngoài Hà Nội người ta chuộng món “tôm bay”. Có lần đi đánh về, anh cũng học đòi, chế biến thử. Chắc không được ngon như nhà hàng ngoài Hà Nội nhưng thơm, bùi lắm”, anh Cả cho biết.
“Kéo lưới” trên cạn
Cào cào, châu chấu mùa này nhiều vô kể. Cứ đạp chân xuống gốc rạ, từng đoàn, từng đoàn bật lên tanh tách. Chọn được cánh đồng bằng phẳng, nhìn hướng gió, chăng lưới xong cũng là lúc 2 người phụ nữ hoàn tất việc rải dây thừng bao quanh phải đến vài mẫu ruộng. Hai người đàn ông chạy xuống ruộng, cầm hai đầu dây và kéo.
Chị Dâng, chị Tin chia đều đoạn dây ra đứng rồi cầm chiếc sào gỗ đập đập vào đám rạ. Nghe tiếng động, từng đám châu chấu bay loạn xạ lên phía trước. Anh Cả, anh Thiệp gò người kéo như người ta kéo lưới. Một tay giơ lên phía trước để đuổi châu chấu, tay còn lại như neo vào sợi dây, gân nổi cuồn cuộn. Sợ dây thừng căng ra, đám dây bì xác-rắn bay phần phật trong gió.
Hai người đàn ông bặm môi ra sức kéo, vừa kéo, vừa giật mạnh sợi dây, những đoạn bì xác-rắn cọ loạt xoạt vào gốc rạ. “Mắc, mắc rồi”, anh Cả hô to. Chị Dâng ngừng tay đập, chạy đi tìm đoạn dây bị vướng, có khi là vướng mô đất, có khi vướng gốc rạ. Vòng vây dần khép chặt vào miệng lưới.
Hai người đàn ông nhảy lên bờ, ngay trước lưới. Họ quỳ hẳn xuống đất, cẩn thận kéo từng đoạn ngắn, mặt lấm tấm những giọt mồ hôi. Từng đàn châu chấu bị lùa tới miệng lưới, nhảy tanh tách. Có chú bị gió thổi tọt vào trong lưới, vùng vẫy, cào cấu. Hai chị tay thoăn thoắt đập vào đám rạ. Lưới trĩu xuống vì châu chấu.
Một cơn gió thổi mạnh khiến mấy chiếc cọc đỡ sau lưới bị đổ, một nửa tấm lưới ập xuống. Anh Thiệp tiếc rẻ: “Thế là bay ra ngoài hết rồi”.
Dây thừng kéo hết. Cả bốn người nhảy lên giữ 4 góc lưới, nhanh chóng gỡ ra khỏi cọc, kéo miệng lưới sát vào nhau. Hai người đàn ông chạy đi lấy 2 chiếc khay nhôm. Hai người phụ nữ giơ cao hai góc lưới. Anh Cả, anh Thiệp dùng khay nhôm đánh mạnh vào mặt ngoài của lưới để đẩy châu chấu rụng xuống. Đám châu chấu giãy giụa khi không gian bị thu hẹp lại.
Anh Cả nhanh tay giũ lưới, đổ hết thành quả vào bì được may bằng lưới. Phải đến 15kg chứ chẳng ít. Với giá 30 nghìn/kg, vị chi là được gần 500 nghìn đồng. Mỗi ngày họ kéo 7-8 mẻ lưới, nghĩa là cũng kiếm đến vài ba triệu bạc.
“Cả bọn đi trưa phải “đánh” lại của người ta nên không được nhiều lắm. Cái nghề ni cũng thất thường, hôm nhiều, hôm ít. Có bữa chạy lên cả Đô Lương mà không có cào cào đành phải quay về. Ngày trước ít người làm thì giá còn cao, có khi được 60-70 nghìn/1kg. Giờ nhiều người làm quá nên sụt xuống còn 30 nghìn. Đánh được bao nhiêu người ta mua tất.
Nghe bảo đưa ra Hà Nội làm món tôm bay. Đánh nguyên một ngày được tầm trên dưới 1 tạ, về đến nhà chết khoảng 5kg. Số chết thì để nuôi gà, nuôi vịt. Nghề ni hơi cực nhưng được cái chẳng phải tranh giành chi của ai. Lộc trời mà, ai chăm chỉ thì có ăn thôi. Một năm làm độ vài tháng, bằng mấy mùa làm lúa. Có khi làm còn chẳng kịp ăn cơm, đợi tối về ăn luôn thể”, anh Thiệp nói.
Thu dọn đồ đoàn, 3 người vác lưới, gậy, dây thừng đi trước, một người hất bì châu chấu lên vai bước theo sau. Mới 2h chiều, thấy còn sớm quá, họ chuyển sang “đánh” ở cánh đồng khác. “Lúa gặt rồi vẫn để lại rơm thơm…”, chị Dâng ngân nga hát. Những cánh đồng rạ tưởng như khô khốc ấy đang là nguồn sống của không ít người như gia đình anh Cả, anh Thiệp. Đất quê đâu phụ người…
Hoàng Lam