Kê khai tài sản để chống tham nhũng
(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập đối với cán bộ công chức Nhà nước. Theo đó, cán bộ từ cấp ủy viên UBND xã, phường, thị trấn trở lên đều có nghĩa vụ kê khai tài sản. Bản kê khai này là một trong những cơ sở để xác minh tham nhũng.
Theo nghị định 37/2007/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 9/3, tài sản, thu nhập phải kê khai là nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật.
Những ai phải kê khai tài sản?
Nghị định quy định rất chi tiết những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; sĩ quan chỉ huy từ phó tiểu đoàn trưởng, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện trở lên trong quân đội nhân dân, phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.
Tại các bệnh viện, viện nghiên cứu của Nhà nước, người phải kê khai tài sản là phó trưởng khoa, bác sĩ chính trở lên. Phó trưởng ban trở lên tại ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước; giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng ban quản lý dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thứ ODA; từ phó trưởng phòng, phó trưởng ban các phòng, ban nghiệp vụ trong công ty nhà nước; phó trưởng ban trở lên của báo, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước cũng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản.
Ngoài ra, đối tượng phải kê khai tài sản còn có Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước...
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được bảo đảm bí mật nội dung của bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật.
Chậm nhất trong vòng 10 ngày phải hoàn thành kê khai tài sản
Về thời gian thực hiện việc kê khai tài sản, nghị định quy định: chậm nhất là ngày 30/11 hàng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình gửi bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu, hướng dẫn và yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản kê khai tài sản, thu nhập, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện việc kê khai và nộp bản kê khai tài sản, thu nhập cho đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31/12.
Nghị định cũng nghiêm cấm các hành vi tẩu tán tài sản dưới mọi hình thức nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập; cản trở việc xác minh tài sản, thu nhập; khai thác, sử dụng trái pháp luật bản kê khai tài sản, thu nhập; lợi dụng việc quản lý, khai thác bản kê khai tài sản, thu nhập để gây mất đoàn kết nội bộ hoặc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác; lợi dụng việc xác minh tài sản, thu nhập để gây khó khăn, cản trở hoạt động bình thường của người được xác minh; xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của người được xác minh; gây mất đoàn kết nội bộ hoặc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.
Người bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách,cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch. Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực phải được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc; thời hạn công khai ít nhất là 3 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật được ban hành.
Trần Đức