Kê khai tài sản: Có kê nhưng không... “khai”!
(Dân trí) - “Hiện nay việc kê khai tài sản vẫn được đánh giá là hình thức, kê nhưng không công khai được nhiều, không sâu; kê khai nhưng không trung thực, không quản lý được, không công khai” - Cục trưởng Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt trăn trở.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ ngày 15/4, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt đã thẳng thắn đánh giá về những kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 vừa được công bố rộng rãi, trong đó có những nhận định như “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tiếp tục giảm”, “động lực, quyết tâm chống tham nhũng giảm dần”, tỷ lệ người dân phải “lót tay” để có sổ đỏ gia tăng....
Theo ông Đạt, Việt Nam đã có những chiến lược, phối hợp với Liên Hợp Quốc trong việc phòng, chống tham nhũng ở rất nhiều khía cạnh như trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, dẫn độ tội phạm tham nhũng, ủy quyền tư pháp, thu hồi tài sản....
“Phòng chống tham nhũng đòi hỏi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nên đánh giá của chúng ta về công tác này phải căn cứ trên nhiều cái nữa chứ không như PAPI chỉ đánh giá vào điều tra xã hội học và thông tin khác mà người ta nắm được, chưa được kiểm nghiệm chính xác thực tế”- ông Đạt thẳng thắn.
Ông Đạt lấy ví dụ, PAPI 2015 được tiến hành dựa trên việc khảo sát cảm nhận của các đối tượng được phỏng vấn, điều tra xã hội học, đánh giá của doanh nghiệp. “Còn chúng tôi đánh giá theo hướng dẫn của Thông tư 04, dựa trên việc điều hành của các cơ qua nhà nước, trong đó có tham khảo đánh giá của các tổ chức quốc tế như PAPI vừa rồi để tham khảo khi đánh giá từng địa phương, lĩnh vực xem thế nào. Chúng tôi còn học thêm kinh nghiệm của Hàn Quốc nữa, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế, cái gì phù hợp thì học tập, cái gì tham khảo được thì tham khảo”- ông Đạt nói.
Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP).
“PAPI chỉ có giá trị tham khảo, cộng thêm vào để đánh giá chung cho việc phòng chống tham nhũng của Việt Nam thôi, chứ không phải dựa vào cái đó chính để đánh giá tham nhũng ở Việt Nam”- ông Đạt chốt lại vấn đề.
Kê khai tài sản từ người cao nhất tới thấp nhất
Xung quanh việc kê khai tài sản tiếp tục hình thức, gây bức xúc gần đây, Cục trưởng Chống tham nhũng khẳng định: “Hiện nay việc kê khai tài sản vẫn được đánh giá là hình thức, kê nhưng không công khai được nhiều, không sâu; kê khai nhưng không trung thực, không quản lý được, không công khai”.
Ông Đạt khẳng định, tới đây khi sửa toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng sẽ phải chú ý sửa các quy định về kê khai tài sản.
“Đã kê khai thì phải quản, kê khai là phải công khai. Kê khai là phải có kiểm tra, xác minh xem đúng hay không đúng, không thì kê khai chỉ để đó, chả giải quyết vấn đề gì cả. Hơn nữa, hiện nay xã hội chúng ta còn tiêu tiền mặt rất nhiều, mà còn tiêu tiền mặt thì không thể phòng chống tham nhũng được nên sẽ phải tính toán thêm nhiều giải pháp để hạn chế chuyện này. Không quản lý được nguồn thu nhập từ ngoài vào thì không thể xử lý được tội hối lộ, nhận phong bì được”- ông Đạt nêu quan điểm .
Ông Đạt khẳng định sẽ kê khai tài sản từ người cao nhất tới thấp nhất và công khai việc này. “Rồi phải có cơ quan xác minh tính trung thực của các bản kê khai đó thì mới quản lý được”- ông nhấn mạnh.
Động lực, quyết tâm chống tham nhũng giảm dần
Như Dân trí đã phản ánh, kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2015 được công bố ngày 14/4 vừa qua cho thấy, mức độ trầm trọng "kinh niên" của căn bệnh tham nhũng tại Việt Nam khi chỉ số nội dung "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" tiếp tục giảm 3% điểm so với năm 2014. Đa số ý kiến trả lời khảo sát cho thấy tình trạng vị thân và tham nhũng trong chính quyền địa phương đang rất phổ biến. Tuy nhiên, kết quả phân tích cũng cho thấy, động lực và quyết tâm chống tham nhũng trong giới chức nhà nước và người dân giảm dần.
Điều này, được chứng minh qua tỷ lệ khảo sát: Chỉ khoảng 3% số người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền. “Ngoài ra, mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, nạn đòi hối lộ của người trả lời trên toàn quốc lớn hơn rất nhiều so với những năm trước: Người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ, nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới khoảng 24 triệu VNĐ”- đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Đáng chú ý, PAPI 2015 cho thấy sự gia tăng đột biến ở tỷ lệ người dân phải chi "lót tay" để làm xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). “Ước tính có khoảng 44% số người làm thủ tục cấp Sổ đỏ phải đưa hối lộ mới làm xong thủ tục trong năm 2015, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ ước tính là 24% trong năm 2014. Trong khi tỷ lệ người dân phải lót tay cho cán bộ ở cấp bệnh viện tuyến huyện, quận vẫn ổn định ở mức 12% trong 2 năm qua"- đại diện nhóm khảo sát PAPI nhấn mạnh.
Thế Kha