1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kể chuyện đánh tàu Ma-đốc: Nhớ mãi khẩu lệnh "Chuẩn bị phóng lôi"!

(Dân trí) - Đến xóm Vừng 2, phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn, TP Hải Phòng, chúng tôi tìm đến nhà Thiếu tá Đinh Xuân Tòng, nguyên trưởng ngành điện tàu phóng lôi 339 trong một chiều hè lộng gió. Câu chuyện về trận đánh ngày 2-8-1964 mà ông Tòng kể cho tôi nghe cứ nóng dần lên.

Chắp nối từng mảnh chuyện trong trận đầu thử lửa, chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí chiến đấu, tinh thần quả cảm của cán bộ, chiến sĩ tàu 339 trong những giờ phút giáp mặt với kẻ thù.

Năm 1964, chàng thanh niên Đinh Xuân Tòng tròn 20 tuổi, sau khi học ở Trường huấn luyện bờ biển C45, Đinh Xuân Tòng về nhận công tác tại Đoàn 130, rồi Đoàn 135 tàu phóng lôi Hải quân. Giữa năm 1964, giặc Mỹ ngày càng tăng cường các hoạt động phá hoại ra miền Bắc Việt Nam bằng không quân và tàu biệt kích. Vì thế 12 tàu phóng lôi của Tiểu đoàn 135 luôn được chuẩn bị sẵn sàng để xuất kích.

Thiếu tá Đinh Xuân Tòng nhớ lại: Trước khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ 2 ngày, chúng tôi cũng đã tập luyện nhiều phương án chiến đấu trên biển. Chính trị viên Mai Bá Xây, kiêm Bí thư chi bộ Phân đội 3 luôn xác định cho anh em lính tàu phóng lôi phải quyết tử, không cho địch xâm phạm vào vùng biển của ta. Đêm 31-7, tàu Ma đốc đã vào sâu vùng biển Quảng Bình. Ngày 1-8, Phân đội 3 rời căn cứ ở Quảng Ninh, đến trưa ngày 2-8, chúng tôi đã có mặt tại Hòn Mê, Thanh Hóa và làm công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Khi tàu Ma đốc vào sâu giữa vùng biển Hòn Mê và Lạch Trường, chúng tôi nhận lệnh xuất kích. Tất cả các chiến sĩ ra đa, ngư lôi, pháo thủ đều thể hiện tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc, mặc dù hôm đó là ban ngày, yếu tố bí mật, đánh địch bất ngờ không còn. Khi thấy 3 tàu 333, 336, 339 tiếp cận gần, các họng pháo lớn trên tàu Ma đốc khai hỏa, chúng tôi đã vượt qua 3 làn đạn một cách hết sức khó khăn. Cứ 3 giây địch lại bắn một đợt, khi máy bay địch phát hiện, quần thảo, oanh tạc biên đội, tôi báo cáo với thuyền trưởng: Anh Giản ơi, máy bay đấy! thì anh bảo, cứ kệ nó. “Phải công nhận thuyền trưởng Giản của chúng tôi là thuyền trưởng giỏi. Trong cơn mưa đạn, vẫn bình tĩnh chỉ huy tàu cơ động tránh đạn và tìm lợi thế đánh trả. Mấy chục năm đã qua, trong tôi vẫn văng vẳng khẩu lệnh đanh thép “Chuẩn bị phóng lôi’’ của anh và hình ảnh mấy tên lính Mỹ “mũ xanh, mũ xám“ chạy tán loạn trên tàu’’. Ông Tòng nhớ lại.

Ông Đinh Xuân Tòng kể chuyện đánh tàu Ma đốc.
Ông Đinh Xuân Tòng kể chuyện đánh tàu Ma đốc.

Đối diện với máy bay và tàu chiến của địch, tàu 339 chịu nhiều tổn thất. Hệ thống máy tê liệt hoàn toàn. Đồng chí Định, sau khi kéo cò trợ lực phóng lôi bị trúng đạn, gãy chân. Hạ sĩ Phạm Trẹo, pháo thủ hy sinh tại chỗ. Anh em hầu hết đều bị thương. Ông Tòng cũng bị dính nhiều mảnh đạn vào cổ, ngực, máu chảy ướt đẫm cả mảng áo trước ngực. Nặng nhất là hạ sĩ Nguyễn Văn Luân, thợ máy, anh bị trúng đạn vào ngực, máu chảy lai láng trên mặt sàn. Biết mình bị thương nặng, không qua khỏi, Luân nắm chặt tay ông Tòng: “Anh ơi, em đã không hoàn thành nhiệm vụ! Em không sống được... Nhưng còn con tàu, con tàu của chúng ta nhất định phải sống. Các anh hãy mang cờ Tổ quốc về đất mẹ’’.

Sự hy sinh dũng cảm của đồng đội như tiếp thêm sức mạnh cho mọi cán bộ, chiến sĩ còn lại trên tàu. Chúng tôi phải sống, con tàu 339 phải sống trở về đất liền. Khi thùng khói mù trên tàu chúng tôi bốc lên, khói bay mù mịt, tưởng tàu chúng tôi bị cháy nên địch bỏ đi và tập trung đánh tàu 333, 336. Tiếng súng của lực lượng tàu 333, 336 ầm ầm đanh thép đánh trả. Lúc này tàu 339 gặp tình huống khó xử. Nước bắt đầu tràn vào qua những vết thủng do đạn pháo địch, có nguy cơ chìm. Chúng tôi lại lao xuống hầm máy, dùng búa nhanh chóng bịt các lỗ thủng bằng nút đạn gỗ thông. Tiếng thuyền trưởng hô: Xem lại máy! Tôi và Thạo nhanh chóng mở nắp hầm. Hơi nóng hầm hập phả lên người. Nhựa cao su ở đế đôi giày vải của tôi và Thạo chảy mềm ra. Mặc nóng, hai anh em mình mẩy ướt đẫm máu, quện lẫn mồ hôi và dầu mỡ... Kiểm tra tàu chúng tôi thấy máy vỡ, đường ống dầu vỡ, kiểm tra máy nén khí, xử lý ống dẫn dầu song khí khởi động không còn, nạp thêm, máy vẫn không nổ. Thế rồi lại sửa, tiếp tục nạp, đến 120 kg/cm2... Cứ thế, sau 2 tiếng vật lộn, tiếng máy quen thuộc đã khục khục trở lại rồi rền vang. Sống rồi! Chúng tôi hô to và rời khỏi khu vực chiến đấu hướng về đất liền.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, trở về với đời thường của một quân nhân hưu trí, ông Đinh Xuân Tòng vẫn luôn nêu cao phẩm chất người lính Cụ Hồ, chăm chỉ lao động, đóng góp sức lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp nơi quê nhà. Với kinh nghiệm nghề thợ, ông vẫn tham gia lao động, sửa chữa máy móc, tàu bè cho bà con đi biển. Ông luôn tâm niệm rằng, ông là người may mắn và hạnh phúc. Nhiều đồng đội của ông đã hy sinh trong những trận chiến đấu. Trong ánh mắt rưng rưng ông thầm gọi: Anh Xây, anh Trẹo, anh Thạo, Luân ơi! Các anh đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Ông cũng luôn nhớ về người thuyền trưởng dũng cảm Nguyễn Văn Giản của mình giờ này đã già yếu vì bệnh tật. Ký ức của người thuyền trưởng ấy chỉ còn vương lại ở trong đôi mắt rưng rưng khi có đồng đội cũ đến thăm nhà.

Theo Thu Hương

Quân đội Nhân dân