1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Huyền tích Mạc trà

(Dân trí) - Trên đỉnh Tây Côn Lĩnh có một loài cây kỳ lạ, quanh năm làm bạn với mây trời ở độ cao từ 1.500 đến 2.000m, rễ bám sâu vào vách đá, loài cây kiên cường trong sương gió có tuổi thọ lên tới hàng trăm năm. Đó là cây San Tuyết.

Những chiếc búp non được trẩy về sao vàng làm nên Mạc trà có màu sắc và hương thơm kỳ lạ.

 

“Cao Tuyên thảo địa linh - Mạc trà cung đình ẩm”

 

Truyền thuyết được lưu truyền trong dòng họ Mạc kể lại rằng sinh thời, Mạc Đăng Dung rất thích uống một thứ lá cây kỳ lạ, được lấy từ trên đỉnh núi cao quanh năm mây phủ của dãy Tây Côn Lĩnh. Ông biết đến thức uống này nhờ một kỳ duyên. Thủa còn làm nghề đánh cá trên sông, một lần ông đuổi theo một con cá khổng lồ, con cá như đã thành tinh, hết sức ma mãnh. Đã bao lần, chàng ngư phủ Mạc Đăng Dung tưởng tóm được nó nhưng rồi lại trượt.

 



Huyền tích Mạc trà - 1

Lễ rước đao Mạc Đăng Dung.

 

Mải mê săn đuổi cá khiến Dung quên cả thời gian, không biết bao nhiêu ngày đã trôi qua. Một buổi sáng thức dậy, Mạc Đăng Dung ngỡ ngàng trước một vùng trời nước uy nghiêm, núi non hùng vĩ. Dòng sông vốn hung dữ bỗng trở nên hiền hoà, mặt nước phẳng và xanh ngăn ngắt bảng lảng khói sương. Thấy lạ, Dung cho thuyền dạt vào một quán vắng ven sông. Chủ nhà là một cụ già quắc thước, mắt sáng, râu tóc đều trắng như tuyết. Sau khi uống xong ba bát nước, Mạc Đăng Dung thấy tinh thần đang rệu rã bỗng dưng sảng khoái, sức lực như được bồi bổ. Gạn hỏi, ông được biết đó là nước được nấu từ một loại lá cây trên mạn ngược chuyển về. Từ đó, ông dùng loại nước uống này hàng ngày. Tinh thần sảng khoái, sức lực tràn trề, khi đỗ lực sĩ, ông được sung vào quân túc vệ của nhà Hậu Lê đời Lê Uy Mục. Năm Đoan Khánh thứ 4 (1508), vua Lê Uy Mục giao cho ông làm Thiên vũ vệ đô chỉ huy sứ ty đô.

 

Từ một người lính túc vệ, nhờ sức lực phi thường và trí óc mẫn tuệ, Mạc Đăng Dung đã xây dựng lên triều Mạc, một triều đại với rất nhiều biến cố thăng trầm, cho đến nay vẫn còn nhiều điểm đánh giá chưa thống nhất.

 

Suốt những tháng năm sóng gió của cuộc đời mình, có hai vật luôn luôn gắn liền với ông. Đó là thanh long đao nặng 35 kg, hiện đang trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, Dương Kinh - Hải Phòng (sau 500 năm chôn vùi dưới đất, trọng lượng vẫn còn 25,6kg) và trà San Tuyết. Mỗi buổi sáng, trước khi luyện đao hay thiết triều, ông thường uống ba chung trà và bốn chén rượu (phải chăng vì thế mà có câu “trà tam - rượu tứ”?) để tăng thêm sức lực và trí lực.

 

Huyền tích Mạc trà - 2
Cây Long đao hiện trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.

 

Truyền thuyết họ Mạc cũng kể lại rằng trước lúc lâm chung ở tuổi 59, Mạc Đăng Dung sai mang đến bên mình thanh long đao và một chung trà lớn. Vì thế sau này, người ta còn gọi trà San Tuyết là Mạc trà.

 

Nguyễn Dữ (sau được vua cho mang họ Mạc - Mạc Trí Hiền), một “thiên cổ kỳ bút” thời đó đã ca ngợi Mạc trà: “Cao Tuyên thảo địa linh - Mạc trà cung đình ẩm”.

 

Bí quyết Mạc trà

 

Câu chuyện trên tôi nghe “vua cá sấu” Cao Văn Tuấn, một chuyên gia trong lĩnh vực đồ cổ của Hải Phòng kể vào một đêm đi tìm gỗ lũa Ngọc Am, sản vật được giới cổ vật phong là đệ nhất kỳ mộc. Theo Cao Văn Tuấn, các chuyện này anh thu thập từ chính sử và cả dã sử trong những ngày đi lùng đồ cổ ở vùng núi Hà Giang, Tuyên Quang. Cái truyền thuyết hư hư thực thực đã làm chàng doanh nhân mê nghệ thuật Cao Văn Tuấn mê mẩn. Anh quyết tâm đi tìm bí quyết để phục hồi qui trình sản xuất, chế biến mặt hàng độc đáo này.

 

Theo Cao Văn Tuấn, bí quyết làm nên Mạc trà nằm ở ba yếu tố chính. Thứ nhất, đó phải là những cây chè mọc trên núi đá, ở độ cao từ 1.300m so với mực nước biển trở lên, nơi khí hậu quanh năm mát mẻ, thỉnh thoảng có tuyết rơi và quanh năm mây phủ. Thứ hai, cây chè phải là đại thụ, có tuổi đời không dưới 100 năm. Những cây này thường không có nhiều búp và một năm chỉ cho búp vào hai vụ, mùa xuân và mùa thu. Búp chè mùa xuân nước xanh, hương thơm. Búp chè mùa thu vị đậm và bền (được nước). Thứ ba, thời điểm hái búp chè. Đây là bí quyết quan trọng nhất. Muốn trà ngon, búp chè phải được hái vào đêm trăng, khi mây mù không bao phủ toàn bộ dãy Tây Côn Lĩnh. Mỗi vụ thu hoạch kéo dài khoảng 20 ngày nhưng tốt nhất là búp chè được hái vào các ngày trăng non, tức là từ mùng 7 đến 17 âm lịch. Người dân địa phương gọi đây là thời điểm “uống trăng”. Búp chè uống “no trăng” khi sao tạo nên lớp tuyết mỏng. Bí quyết của việc sao tẩm chính là giữ được lớp tuyết trắng này. Nước trà rót ra chén có màu vàng trăng, lấm chấm những hạt tuyết nhỏ, hương thơm và vị dịu. Nếu hái vào cuối mùa trăng, nước sậm màu và kém thơm dịu. Do sống ở nơi núi cao, không khí trong sạch nên San Tuyết không bị sâu bệnh tàn phá, việc phun các loại thuốc bảo vệ thực vật là điều không thể xảy ra, nguồn nước cho cây cũng chưa bị ô nhiễm.

 

Tuy nhiều nơi có chè San Tuyết nhưng chè San Tuyết Phìn Hồ là ngon nhất, tất nhiên là phải được hái đúng thời điểm và tuân thủ một số bí quyết trong khâu sản xuất, chế biến. Đây cũng chính là bí quyết sản xuất, chế biến Mạc trà từ thời Mạc Đăng Doanh.

 

Để tưởng nhớ công đức tổ tiên, dòng họ Mạc tại Hải Dương - Hải Phòng đã phục chế thành công sản phẩm này. Lễ dâng hương, tiến vua và báo cáo tổ tiên  được tiến hành ngày 19/8 âm lịch tại đền thờ Mạc Đăng Dung - TP. Hải Phòng.

 

Đặc điểm và công dụng Mạc trà

 

- Cây chè càng già chất trà càng quý. Số lần hái càng ít thì trà càng thơm ngon, tăng khả năng bổ dưỡng . Cây chè mọc ở độ cao càng cao thì càng nhiều tuyết trắng và tính dược liệu quý càng mạnh.

 

- Tăng khả năng thần kinh trung ương, chống lão hoá; bổ gan, thận, chống béo phì...; Phòng chống nội chướng, phòng chống bệnh nhồi máu cơ tim, phòng chống viêm khẩu xoang, viêm yết hầu, viêm ruột, ngăn ngừa bức xạ; có khả năng hạn chế phát triển và có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư. Tăng tuổi thọ.

 

 

Hoàng Hải