1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn: “Con thoi sắt” trở lại

(Dân trí) - Trở về từ cõi chết, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai tưởng chừng sẽ chấm dứt chuỗi ngày hoạt động cách mạng với vô số vết thương để lại sau màn tra tấn tàn độc của địch. Nhưng với tình yêu, vòng tay của đồng đội “con thoi sắt" tiếp tục vùng lên mạnh mẽ.

Huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn: “Con thoi sắt” trở lại
Sau chuỗi ngày bị tra tấn dã man, bà Mai đã được đồng đội, những người chị chăm sóc, động viên để vượt qua số mệnh, tiếp tục chiến đấu

Trở về từ cõi chết

Về được căn cứ, Mai như trở về từ cõi chết, về với đồng đội sau bao ngày chịu đựng những đòn thù tra tấn dã man. Nhiều chị em rơi nước mắt trước thương tích hằn sâu trên cơ thể và tâm hồn cô gái trẻ. Sau cuộc chạy trốn khỏi bệnh viện, Mai kiệt sức, mệt nhừ không đứng lên được, nghĩ lại những lần bị tra tấn chết đi sống lại chịu thương tật đầy mình để giữ cho không một cơ sở nào bị bắt, Mai bỗng òa lên khóc, các chị em xung quanh cũng bật khóc theo. Những giọt nước mắt tủi hờn, căm phẫn càng khiến Mai và đồng đội quyết tâm tiêu diệt địch.

Sau đó, nữ giao liên Nguyễn Thị Mai được đưa tới bênh viện của Quân khu ở căn cứ A51. Mỗi lần khám vết thương cho Mai, các bác sĩ tại đây đều phải thốt lên: “Quá dã man, chúng tra tấn đến thế là cùng. Chúng bay sẽ phải đền tội”. Trong điều kiện khó khăn nhưng mọi người đều mong muốn chữa trị cho Mai sớm bình phục. Đồng đội vào tận rừng sâu săn tổ ong để bồi bổ cho Mai và đổ vào vết thương, dù Mai từ chối vì mật ong rất quý, cần để dành cho những người bị thương khác. 

Rõng rã suốt cả năm chữa trị, những vết thương thâm hiểm trong người Mai đã dần bình phục nhưng di chứng của lần tra tấn “đi máy bay” bị đập đầu xuống đất vẫn hành hạ Mai những ngày nắng nóng. Trong khoảng thời gian dưỡng thương, lại chứng kiến cảnh đồng đội đang xả thân bên ngoài chiến trường, Mai như ngồi trên đống lửa. Mai lén tìm đến lớp tập huấn ở gần bệnh viện học bắn súng ngắn hai tay, học cách sử dụng các loại vũ khí.

Được trở lại hoạt động cách mạng, nữ biệt động Sài Gòn như “con thoi sắt” hoành hành ngang dọc khắp đường phố, đảm nhiệm công tác liên lạc, vận chuyển vũ khí và tham gia đánh trận.

Hành động của “con thoi sắt”

Rời khỏi bệnh viện, Mai được tổ chức phân về đơn vị biệt động 90C, nhập vào tổ chiến đấu với anh Bảy Lùn (anh Võ Triết). Thời ấy, từ đường Lê Văn Duyệt, từ chợ Ông Tạ đến Bến Thành không ít người khiếp sợ cái biệt danh Ba “xe ngựa”, một tên chỉ điểm gây không ít tổn thất cho lực lượng cách mạng. Nhiệm vụ cấp bách lúc này được giao cho Mai là tiêu diệt tên chỉ điểm ác ôn Ba “xe ngựa”.

Sau khi nghiên cứu, theo dõi hành tung của Ba “xe ngựa”, Mai quyết định hành động. Chiếc xe máy Mobylette do Bảy Lùn điều khiển chở Mai dừng ngay trước cửa nhà Ba “xe ngựa”. Bình thản bước đến, Mai cất tiếng gọi: “Anh Ba! anh Ba ơi, có mấy người khách nè, ra chở đi anh”. Tưởng có khách kêu chở đi đâu, Ba “xe ngựa” lật đật ra mở cửa.

Cách cửa vừa hé, "đoàng"! tiếng súng chát chúa vang lên. Ba “xe ngựa” gục xuống ngay cửa, khẩu súng trên tay Mai tỏa ra làn khói trắng kèm theo mùi khét lẹt. Tuy lần ám sát của Mai vẫn không lấy mạng được tên chỉ điểm độc ác Ba “xe ngựa” nhưng cũng khiến hắn không dám “ngựa quen đường cũ”, lặng lẽ đưa gia đình lẩn trốn đi nơi khác.

Cũng trong giai đoạn này, những chiếc thiết giáp ngày ngày chở lính đi càn, lùng sục, bắn phá tàn sát nhân dân ta ở vùng căn cứ Hóc Môn Củ Chi, Tây Ninh, Đức Hòa. Chiều tối, đoàn xe lại lũ lượt kéo về bãi xe hậu cần Mỹ nằm ở gần khu vực ngã tư Bảy Hiền (Tân Bình). Đội biệt động Sài Gòn quyết định thực hiện mục tiêu tiếp theo nhắm vào các cỗ xe sắt. Trong vai tình nhân của Bảy Lùn, Mai đã tiếp cận và 4 lần cho bãi xe này “ăn” lựu đạn.

Từ khi quay trở lại hoạt động, Mai vẫn làm nhiệm vụ liên lạc, vận chuyển vũ khí từ căn cứ vào thành, vừa trinh sát, vừa tổ chức chiến đấu. Từ việc đóng tủ thờ hai đáy, giấu trong chậu cây cảnh, bỏ trong tấm ván xẻ đôi chêm vũ khí vào ghép lại rồi đánh xóa vết ghép…Mai cùng các thành viên đội biệt động đã có hàng trăm kế để đưa vũ khí vào Sài Gòn.

Sau nhiều chiến công lập được, Nguyễn Thị Mai cùng đội biệt động Sài Gòn tham gia vào những trận đánh rực lửa không thể nào quên của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, trận đánh trên cánh đồng Tân Tạo hay trận "bão lửa" ở ngã tư Bảy Hiền.

Còn tiếp...

Trung Kiên – Xuân Hinh