Thanh Hóa:
Huyện thờ ơ, doanh nghiệp khai thác đất bừa bãi
(Dân trí) - Mặc dù là chủ đầu tư của Dự án đê tả sông Yên nhưng UBND huyện Nông Cống đã buông lỏng trong công tác quản lý tài nguyên trên địa bàn, để đơn vị thi công mặc nhiên khai thác đất nhiều tháng qua.
Trong đó, theo phản ánh của người dân xã Trường Minh, huyện Nông Cống, thời gian qua, tại khu vực núi Phú Viên, thôn Phú Viên, xã Trường Minh, đang bị nhà thầu “xẻ thịt” lấy đất thi công tuyến đê tả sông Yên.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại núi Phú Viên, đến thời điểm này, nhà thầu đã đào đất lấy đi gần hết quả núi chỉ còn trơ lại những khối đá và nhiều vách đất dựng đứng có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Việc khai thác đất còn gây ảnh hưởng đến môi trường sống, nước sinh hoạt của các hộ dân sống xung quanh khu vực núi. Nhiều hộ dân tỏ ra lo lắng khi mùa mưa bão sắp đến, từ những vách đất do đơn vị khai thác để lại có thể bị đổ xuống bất cứ lúc nào.
Gặp chúng tôi, ông Bùi Xuân Hùng (80 tuổi), trú tại thôn Phú Viên thở dài: “Giờ còn đâu núi Phú Viên nữa, họ đã khai thác hết rồi. Trước đây giếng không bao giờ hết nước nhưng bây giờ thì đã hết. Những ngày gió đông nồm thổi ào ào vào nhà chứ không như trước đây. Việc lấy đất còn gây ra tiếng ồn, bụi bẩn phả khắp vào nhà khó chịu lắm”.
Điều đáng nói ở đây là việc lấy đất đắp đê chưa có đánh giá tác động môi trường, nhưng nhà thầu vẫn vô tư đào khoét gần hết cả quả núi. Còn UBND huyện Nông Công là chủ đầu tư Dự án thì buông lỏng, để mặc sức cho đơn vị thi công lấy đất.
Ông Hoàng Văn Khiêu, Chủ tịch UBND xã Trường Minh cho biết: “Việc khai thác đất đã diễn ra từ năm 2009, trước khi khai thác, họ (nhà thầu - PV) đã đặt vấn đề qua huyền rồi. Và huyện cũng đã cấp tiền hỗ trợ đền bù cho xã là 120 triệu đồng rồi, ngoài ra cũng đã đền bù cho một số hộ dân”.
Tuy nhiên, ông Lê Anh Văn, Trưởng phòng TN&MT huyện Nông Công lại phủ nhận: “Riêng việc lấy đất ở núi Phú Viên huyện không cấp phép, chắc xã đã cho nhà thầu lất đất. Chúng tôi đã kiểm tra ngay từ đầu và không cho lấy, nhưng họ đã lấy đất để làm đường cứu hộ lên đê. Từ lâu người dân đã lấy đất rồi”.
Mặc dù UBND huyện Nông Cống là chủ đầu tư dự án, ông Trần Văn Thuấn là Chủ tịch UBND huyện, nhưng khi được hỏi về một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương thì ông Thuấn tỏ ra không nắm rõ. Cụ thể, ngay đầu buổi làm việc, ông Thuấn đã thừa nhận là toàn bộ đất đắp đê đã được bồi thường và nằm trong dự toán của công trình. Nhưng sau một hồi điện thoại cho một số người để... hỏi thì ông Thuấn quay sang cho biết, việc lấy đất làm các công trình thủy lợi theo quy định là không phải đóng tiền thuế tài nguyên.
Theo Nghị định số 05/2009/NĐ-CP, ngày 19/1/2009 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế tài nguyên thì: “Tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới mọi hình thức là đối tượng nộp thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh Thuế tài nguyên. Theo đó, tài nguyên “đất khai thác san lấp, xây đắp công trình” có thuế suất là 3%”.
Việc làm công trình đê điều để phòng chống lũ lụt là rất cần thiết, tuy nhiên không phải vì thế mà bất chấp tất cả. Ở đây quy trình thực hiện và công tác quản lý của UBND huyện Nông Cống đã thể hiện nhiều vấn đề bất cập, buông lỏng.
Duy Tuyên