Huy động mọi nguồn lực để phát triển "tam nông" hiện đại, văn minh
(Dân trí) - Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo tiêu chí "nông nghiệp sinh thái", "nông thôn hiện đại", "nông dân văn minh"…
Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo "Định hướng chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều nay, 12/11/2021.
Đây là một trong 9 chuyên đề khoa học do Bộ NN&PTNT chủ trì và cũng là một trong hơn 20 Chuyên đề khoa học phục vụ tổng kết Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết 26).
Là cơ quan thường trực được Bộ Chính trị giao tổng kết Nghị quyết 26, Ban Kinh tế Trung ương đã và đang tiếp thu ý kiến của 63 tỉnh, thành phố, của các bộ, ngành của các cơ quan liên quan để rà soát tổng thể những thành tựu cũng như những hạn chế tồn tại trong thực hiện Nghị quyết 26, qua đó đề xuất với Bộ Chính trị, với Trung ương dự thảo nghị quyết mới điều chỉnh.
Tại hội thảo, đã có 5 báo cáo khoa học và nhiều ý kiến tại hội thảo tập trung làm rõ về cơ sở lý luận và nội hàm về quan điểm, giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Khẳng định ý nghĩa quan trọng và những kết quả đạt được của Nghị quyết 26 được ban hành kịp thời, phát huy hiệu quả cao trong cuộc sống, một số ý kiến đề xuất, cần làm rõ mô hình sẽ chuyển đổi của nông nghiệp Việt Nam thời gian tới so với mô hình hiện nay.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 Nguyễn Duy Hưng cho biết, dự thảo nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành tới đây sẽ đánh giá chính xác và sát với tình hình thực tế hiện trạng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.
Cơ quan xây dựng dự thảo đồng thời đề xuất những nhóm giải pháp thực hiện trong thời gian tới có tính đến phát huy những kết quả và thành tựu đã đạt được cũng như xác định những yếu tố mới trong bối cảnh kinh tế thế giới với Việt Nam trong thời gian tới.
"Bối cảnh biến đổi khí hậu tác động lớn; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hội nhập ngày càng sâu rộng trong nền kinh tế thế giới đòi hỏi là chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu, các tiêu chuẩn của các nước để có những đột phá và những bước tiến mạnh mẽ hơn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian tới" - ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Làm rõ thêm, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho hay, nhiều nhóm giải pháp đã được đưa ra: từ phát triển thể chế; tăng cường nhận thức; ứng dụng công nghệ; chuyển đổi số và những việc không thể thiếu được là tăng cường đầu tư của Nhà nước và huy động mọi nguồn lực xã hội để cùng tham gia phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
"Chúng ta đang nói tới nền "nông nghiệp sinh thái", "nông thôn hiện đại", "nông dân văn minh" (3 trụ cột trong định hướng phát triển nền nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - PV) thì phải tính toán để phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số và coi đây là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam" - ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.