1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Dương:

Hủy bản án 16 bị cáo được tuyên trắng án

(Dân trí) - Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm vụ án “Võ Bảy và đồng phạm”, TAND tỉnh Bình Dương đã quyết định hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ tội danh của từng bị cáo.

Oan hay có tội?!

Theo cáo trạng, năm 1995 Sở Giao thông Vận tải Bình Dương giao thu phí theo chỉ tiêu hàng năm nên Võ Bảy, Đội trưởng đội thu phí cầu Phước Hòa, huyện Phú Giáo (năm 2001 về đội Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) khoán định mức cho mỗi ca trực từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/ngày, nếu thu dư thì chia nhau.

Đến đêm 15/12/2002, Công an tỉnh Bình Dương bắt quả tang ca trực của Lê Văn Phép (ca trưởng) và Nguyễn Hữu Đông, nhân viên trạm thu phí cầu Phú Cường (cây cầu này chỉ cho phép xe có trọng tải dưới 18 tấn đi qua) đang cho 12 xe quá tải qua cầu để thu 30 - 50.000 đồng/xe mà không xé vé.

Tại cơ quan điều tra thì Phép và Đông đã khai nhận trong ca trực thu được 2.780.000 đồng, nộp cho Võ Bảy (đội trưởng) 1.350.000 đồng, số tiền còn lại 2 bị cáo chia nhau. Từ những lời khai này, ngày 17/12/2002 Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Võ Bảy, Phép và Đông về tội nhận hối lộ. Sau đó, Công an khởi tố thêm 14 nhân viên (tổng cộng 17 bị cáo nhưng 1 bị can đã chết nên còn 16).

Tuy nhiên, theo lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra, 16 bị can khai nhận đã “thụt két” của nhà nước hơn 6,5 tỷ đồng, đem chia nhau hơn 3,7 tỷ đồng, bỏ vào “quỹ đen” 2,75 tỷ đồng. Sau đó, “hạ xuống” còn 164 triệu đồng (chia nhau 76 triệu đồng, lập quỹ đen 88,6 triệu đồng). Lời khai sau cùng thì số tiền mà các bị can “chiếm đoạt” chỉ còn… 67,3 triệu đồng.

Ngoài ra, bên cạnh số tiền 67,3 triệu đồng mà các bị can cho là “tiền bồi dưỡng” của tài xế chứ không phải là tiền bán vé mà không xé vé. Cơ quan điều tra còn phát hiện thêm số tiền gần 90 triệu đồng không quyết toán được thể hiện trong các hóa đơn, chứng từ mà cơ quan điều tra thu giữ.

Số tiền này Võ Bảy cho rằng “không phải quỹ đen” mà là số tiền được trích từ khoản chi 5% được nhà nước cho phép, dùng để tiếp khách, khen thưởng… tuy nhiên cơ quan điều tra đã chứng minh được số tiền 5% trên đã bị cắt từ cuối năm 2000 và hết quý 1 năm 2001 đã quyết toán xong.

Sau hơn 4 năm điều tra, ngày 10/5/2006 Viện KSND tỉnh Bình Dương đã có cáo trạng truy tố 16 bị can ra tòa. Và tại phiên tòa sơ thẩm kéo dài 4 ngày (từ 25 - 29/7/2008) Viện KSND thị xã Thủ Dầu Một đề nghị phạt  bị cáo Võ Bảy 9 đến 10 năm tù và 15 bị cáo còn lại từ 7 - 9 năm tù.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND thị xã Thủ Dầu Một đã tuyên 16 bị cáo không phạm tội tham ô tài sản; đồng thời giải toả 10 lệnh kê biên nhà cửa; tuyên trả hàng loạt tài sản (tiền bạc, xe ô tô, xe gắn máy)… cho các bị cáo.

Đến ngày 8/8/2008, Viện KSND thị xã Thủ Dầu Một đã kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm yêu cầu TAND tỉnh Bình Dương xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Sáu năm chưa hoàn thành 1 bản án!

Như trên đã thông tin, 16 bị cáo trong vụ án “Võ Bảy và đồng phạm” đã được TAND thị xã Thủ Dầu Một tuyên vô tội vì trong quá trình điều tra cho thấy những chứng cứ mà cơ quan điều tra đưa ra chưa đủ để chứng minh số tiền họ chiếm đoạt.

Từ ngày 11 - 14/11/2008, TAND tỉnh Bình Dương đã xét xử phúc thẩm vụ án trên. Tại tòa phúc thẩm 16 bị cáo đồng loạt phủ nhận tội trạng. Tất cả các bị cáo đều khai là bất cứ xe nào qua đều xé vé. Tuy nhiên, có một số trường hợp tài xế không lấy vé mà quăng luôn tiền vào trong cabin, đôi khi dư tiền (các bị cáo nghĩ đó là tiền bồi dưỡng tài xế cho) nhưng các bị cáo “vẫn xé vé” và một số vé dạng này đã bị cơ quan điều tra thu giữ.

Chiều ngày 14/11/2008, TAND tỉnh Bình Dương đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do TAND thị xã Thủ Dầu Một đã tuyên vô tội đối với các bị cáo. Trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ tội danh của từng bị cáo. Đặc biệt làm rõ lại số tiền gần 90 triệu đồng mà Võ Bảy cho là tiền chi tiếp khách… được trích từ 5% nhà nước cho phép (không còn giá trị từ năm 2000).

Hội đồng xét xử tại phiên tòa phúc thẩm nhận định, các bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được phân công, thu phí xe qua cầu mà không xé vé, không nộp lại tiền cho nhà nước mà lại chia nhau, gây thất thoát nghiêm trọng tiền của nhà nước. Hội đồng xét xử cũng cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên 16 bị cáo vô tội đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự vì đã không xem xét đầy đủ và toàn diện chứng cứ của vụ án.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng nói rõ, các bị cáo cho rằng mình bị cơ quan điều tra ép cung, đe dọa… là không có cơ sở vì đã tiến hành một cách khách quan và các bị cáo cũng đã tự viết lời khai bổ xung.

Như vậy, sau gần 6 năm (từ năm 2002 - 2008) vụ án “Võ Bảy và đồng phạm” vẫn chưa có “hồi kết”. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục điều tra làm rõ vụ án gây xôn xao dư luận này.

Đoàn Quý