"Hụt" 2 dự án hơn nửa tỷ USD vì... một con đường dân sinh
(Dân trí) - Dù đã có đường mới, nhưng đường dân sinh cắt qua khu công nghiệp WHA Nghệ An không thể đóng. Điều này khiến ít nhất 2 nhà đầu tư có tổng số vốn 600 triệu USD e ngại, rồi quyết định đầu tư nơi khác.
"Hụt" dự án trăm triệu USD
Dự án khu công nghiệp WHA Hemaraj 1 Nghệ An (gọi tắt là khu công nghiệp WHA) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào 22/5/2017 và điều chỉnh chủ trương đầu tư vào 15/3/2021. Đây là dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, diện tích 498ha, được triển khai tại các xã: Nghi Long, Nghi Thuận, Nghi Đồng và Nghi Hưng (Nghi Lộc, Nghệ An).
Dự án được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của huyện Nghi Lộc và tỉnh Nghệ An, tạo công ăn việc làm ổn định của người dân địa phương.
Giai đoạn 1 của dự án (143,5ha) tại xã Nghi Thuận và Nghi Long đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Đến nay, khu công nghiệp này đã thu hút được 14 dự án thứ cấp, trong đó 11 dự án đầu tư nước ngoài và 3 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 530 triệu USD, tổng diện tích cho thuê đất là 56,98ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 56,4%.
Đặc biệt, dự án chế tạo các sản phẩm điện tử của Công ty TNHH công nghiệp chính xác Goertek Vina có tổng số vốn 500 triệu USD đang triển khai thực hiện. Đến nay, giai đoạn một nhà máy đã hoàn thành phần xây dựng cơ bản, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 6/2022, bước đầu tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Khi cả dự án hoàn thành sẽ tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động.
"Trong năm 2021, có 2 nhà đầu tư trị giá mỗi dự án 300 triệu USD đến khảo sát đầu tư tại khu công nghiệp WHA nhiều lần. Tuy nhiên, thấy đường dân sinh cắt qua khu công nghiệp ngay tại vị trí đất doanh nghiệp lựa chọn, không đảm bảo lưu thông, họ e ngại và không đầu tư vào đây nữa. Hiện cả hai nhà đầu tư này đã chuyển tới địa phương khác. Đây là điều hết sức đáng tiếc", ông Nguyễn Văn Hải - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho hay.
Con đường mà ông Hải nói tới là đường dân sinh, nối từ Quốc lộ 7C vào các xóm Khánh Thiện, Bình Thuận và Rú Thần (xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc) dài 520m, nằm trong quy hoạch khu công nghiệp WHA Nghệ An.
Trong quá trình triển khai, cơ quan chức năng cũng đã có quy hoạch "nắn" con đường cắt ngang khu công nghiệp này. Cụ thể, một con đường mới được dịch chuyển ra ngoài phạm vi khu công nghiệp, thay thế đường dân sinh cũ, hiện được chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện.
Đường mới dài 740m, bề rộng mặt đường 6,5m bằng bê tông cốt thép, có hệ thống đèn đường chiếu sáng, cây xanh đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ cho nhân dân địa phương lưu thông từ tháng 9/2019. Đường mới đã thông tuyến nhưng khi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đóng đường cũ thì người dân lại không đồng ý.
Vì sao người dân "quyết" giữ đường?
"Qua hệ thống camera giao thông cho thấy, hầu hết người dân đều đi đường mới chạy ven khu công nghiệp WHA, rất ít đi đường cũ vốn đã xuống cấp, gồ ghề. Thế nhưng, khi chính quyền địa phương thực hiện đóng tuyến, phá dỡ đường cũ thì người dân lại phản đối. Chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích không biết bao nhiêu lần nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận", ông Hải cho biết thêm.
Theo quan sát, con đường dân sinh cũ đã được đổ bê tông 2 đầu, riêng đoạn khúc giữa đường bị bong tróc lớp bề mặt, ổ gà nhấp nhô, nhưng vẫn có khá nhiều phương tiện lưu thông qua đây. Cùng với đó, nhiều người dân đã chọn lưu thông trên con đường mới, vốn đã được trải thảm, dựng hàng rào thép kiên cố ngăn cách với một số công trình thuộc Khu công nghiệp WHA.
Ông Nguyễn Hồng Thông (xóm Bình Thuận) thì cho rằng, con đường cũ là đường cha ông để lại, ngắn, thẳng, thuận tiện cho người dân đi lại hơn. "Đường mới là đường của công ty, chúng tôi không đi đường đó", người đàn ông này lý giải vì sao không đi đường mới mà vẫn chọn đi con đường cũ cắt ngang khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - xóm trưởng xóm Bình Thuận (xã Nghi Thuận) cho biết, khi thực hiện dự án, nhiều người dân không được họp bàn vì không có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, con đường này do cha ông họ đắp nên, bởi vậy, họ có quyền được tham gia bàn bạc và hỏi ý kiến về việc đóng đường. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của việc người dân phản đối đóng đường dân sinh cũ.
"Ngoài ra, các hộ dân cho rằng đường cũ thẳng, ngắn hơn đường mới. Đường mới phải đi xa hơn, cũng đã có vài vụ tai nạn giao thông xảy ra nên người dân e ngại, bởi vậy con đường cũ dù xấu hơn thì người dân vẫn chọn đi", ông Thắng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Vinh (xóm Khánh Thiện) nhà ngay điểm đầu của hai con đường kể trên cho biết, ngay đầu con đường mới có đoạn cua khá gấp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. "Có mấy vụ tai nạn xảy ra rồi, do đường cua gấp quá, lại không có biển báo gì cả. Đi đường thẳng đỡ tai nạn hơn", ông Vinh cho hay.
Theo ông Vinh, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để mở rộng đoạn cua, lắp biển cảnh báo đồng thời vận hành hệ thống đèn đường hoạt động tốt hơn mới có thể giảm bớt nguy cơ tai nạn giao thông, từ đó người dân mới yên tâm đi lại.
Ông Nguyễn Văn Hải cho biết, thực tế đường này xa hơn đường cũ nhưng không đáng kể, quan trọng nhất là người dân lưu thông an toàn. Nếu vẫn tiếp tục đi đường cũ chạy cắt ngang khu công nghiệp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là khi các nhà máy đi vào hoạt động, sử dụng nhiều xe tải trọng lớn để vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa... Mặt khác, sự tồn tại của một con đường dân sinh ngay trong khu công nghiệp sẽ cản trở việc thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp này.