Hưởng loạt cơ chế đặc thù, nhiều dự án cao tốc vẫn chậm và đội vốn nghìn tỷ

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo tính toán ban đầu, đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội dự kiến tăng 4.300 tỷ, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến tăng 3.680 tỷ, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dự kiến tăng 123 tỷ.

Những con số này được đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) dẫn chứng khi phát biểu trên nghị trường chiều 25/5, về báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và một số dự án quan trọng quốc gia.

Một số dự án trọng điểm quốc gia đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành triển khai.

Tuy nhiên, đại biểu Khánh cho biết còn nhiều dự án chậm tiến độ như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TPHCM; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột.

Hưởng loạt cơ chế đặc thù, nhiều dự án cao tốc vẫn chậm và đội vốn nghìn tỷ - 1

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Ảnh: Hồng Phong).

"Việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư chậm so với mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ. Một số dự án tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng", ông Khánh nói.

Ông dẫn chứng theo tính toán ban đầu, dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội dự kiến tăng khoảng 4.300 tỷ, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến tăng khoảng 3.680 tỷ đồng, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dự kiến tăng khoảng 123 tỷ đồng.

"Chưa bao giờ việc triển khai dự án đầu tư lớn lại được hưởng cơ chế, chính sách thuận lợi như vậy, nhưng một số dự án vẫn chậm tiến độ với những lý do, nguyên nhân chậm không khác gì việc thực hiện một số dự án đầu tư công khác, như vướng mắc giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu và thiếu vật liệu xây dựng", vị đại biểu tỉnh Lai Châu nêu bất cập.

Ông nhấn mạnh đây là những dự án trọng điểm quốc gia, tổng mức đầu tư lớn, việc hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội nhiều địa phương phát triển, càng để chậm trễ, kinh phí càng đội cao, lãng phí cho ngân sách Nhà nước.

Đại biểu đề nghị báo cáo giám sát cần phân tích kỹ nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân một cách rõ ràng để có giải pháp thúc đẩy thực hiện dự án.

Hưởng loạt cơ chế đặc thù, nhiều dự án cao tốc vẫn chậm và đội vốn nghìn tỷ - 2

Đại biểu Quốc hội Vũ Tuấn Anh (Ảnh: Hồng Phong).

Đại biểu Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cũng cho rằng chính sách đầu tư phát triển hạ tầng có tổng số vốn khá lớn, mang ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung kịp thời nguồn vốn đầu tư trực tiếp để thúc đẩy kinh tế phục hồi, phát triển, song việc giải ngân vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chậm, không đảm bảo thực hiện Nghị quyết 43 Quốc hội.

Thực tế này khiến các dự án quan trọng chậm đưa vào sử dụng, làm chậm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.

Ngoài nguyên nhân báo cáo giám sát chỉ ra, ông Tuấn Anh cho rằng có nguyên nhân chính là ngay từ khâu lựa chọn dự án đưa vào chương trình đã không đảm bảo yêu cầu đặt ra.

"Nghị quyết 43 đã quy định ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, song thực tế lựa chọn dự án đưa vào chương trình hầu hết là các dự án khởi công mới nên rất mất thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư, dẫn đến giao vốn chậm và triển khai dự án chậm so với yêu cầu", vị đại biểu phân tích.

Ông đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này. Đặc biệt, với dự án đến nay chưa khởi công hoặc chưa giải ngân, đại biểu tỉnh Phú Thọ kiến nghị tạm dừng triển khai.