Đại biểu HĐND Cà Mau:

Hụi len lỏi khắp nơi, có cả cán bộ, công chức vừa chơi vừa làm chủ hụi

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - "Nếu như trước đây hụi thường xuất hiện ở nông thôn, khu dân cư thì giờ đây hụi len lỏi khắp nơi, thậm chí đến khu vực cơ quan nhà nước cũng có một số cán bộ, công chức vừa chơi vừa làm chủ hụi".

Đó là trao đổi của đại biểu Dương Thu Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau trong phiên thảo luận của kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau ngày 11/7.

Bà Hiền cho biết, hụi là hình thức góp vốn huy động tài chính khá phổ biến trong cộng đồng dân cư. Những năm gần đây, việc chơi hụi trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình, nhất là ở nông thôn.

Mặc dù đã có những quy định nhưng theo bà Hiền, việc giám sát hoạt động chơi hụi thời gian qua còn không ít khó khăn do tính chất tự phát và phi chính thức.

Hụi len lỏi khắp nơi, có cả cán bộ, công chức vừa chơi vừa làm chủ hụi - 1

Nhiều vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội được các đại biểu phản ánh tại kỳ họp HĐND tỉnh Cà Mau (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Cà Mau).

"Mặt trái rủi ro tài chính khi hụi bị vỡ đã ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống người dân. Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tăng. Nhiều người tham gia chơi hụi điêu đứng vì số tiền tích góp hàng ngày bị chủ hụi ẵm trọn. Nhiều chủ hụi dính tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải ra tòa, nhận cái kết đắng", bà Hiền nói.

Điều đáng nói chơi hụi có nguy cơ không an toàn, dễ bị giật hụi nhưng vẫn có nhiều người, nhất là chị em phụ nữ tham gia. "Chơi hụi có lãi cao, dễ huy động và góp vốn là nguyên nhân chính để thu hút nhiều người", bà Hiền đánh giá.

Từ năm 2022 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp ở Cà Mau đã thụ lý hơn 2.490 vụ liên quan đến hụi. Trong đó tòa án đã giải quyết khoảng 2.450 vụ tranh chấp hụi. Viện kiểm sát cũng đã phê chuẩn khởi tố 43/45 bị can liên quan đến chiếm đoạt hụi với số tiền trên 68 tỷ đồng của hơn 1.900 bị hại.

"Nếu như trước đây hụi thường xuất hiện ở vùng nông thôn, các khu vực chợ dân sinh, khu dân cư thì giờ đây hụi len lỏi khắp nơi, thậm chí đến khu vực cơ quan nhà nước cũng có một số cán bộ, công chức vừa chơi hụi vừa tham gia làm chủ hụi", bà Hiền nêu thực trạng.

Bà Hiền cũng nêu thực tế, thường người dân chỉ tham gia chơi hụi theo tập quán địa phương, dựa vào thỏa thuận, sự tin tưởng giữa các thành viên với nhau. Hầu hết các dây hụi người chơi chỉ biết chủ hụi chứ không biết thành viên khác cùng tham gia góp vốn với mình.

Chủ hụi cũng không cung cấp danh sách hụi viên, cho nên người chơi bị lừa đảo rất dễ, nhất là các trường hợp hụi khống, hụi ma,… Trong khi đó, hàng năm, hàng tháng, các hụi viên vẫn đinh ninh dây hụi của mình có lãi cao nên cứ đóng tiền để nuôi dây hụi, chủ hụi, cho đến khi phát hiện bất thường thì chủ hụi tuyên bố vỡ hụi, bể nợ.

Theo bà Hiền, có một thực tế nữa là khi ra tòa, số tiền lừa đảo cả nghìn tỷ đồng, bị cáo là chủ hụi lãnh mức án khá cao. Tuy nhiên, tài sản của bị cáo đã tẩu tán hoặc chi xài hết.

"Có những trường hợp các khoản tiền mà tòa án tuyên bị cáo phải trả cho bị hại cuối cùng cũng chỉ là bản án trên giấy. Chủ hụi chỉ ở tù, còn hụi viên vẫn là người thiệt hại nặng nề nhất", bà Hiền nói.

Để hạn chế vấn đề phát sinh, hệ lụy liên quan việc chơi hụi, theo bà Dương Thu Hiền, cơ quan thẩm quyền cần quan tâm hoàn thiện khung pháp lý, sửa đổi, bổ sung các quy định đảm bảo rõ ràng, cụ thể và phù hợp với thực tiễn, cũng như tăng cường chế tài xử phạt để nâng cao tính răn đe.

Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ hoạt động các dây hụi, trong đó quy định bắt buộc người tham gia chơi hụi (chủ yếu là chủ hụi) đăng ký hoạt động hụi với chính quyền địa phương để dễ dàng quản lý, giám sát.

Bà Hiền cũng đề nghị sử dụng công nghệ thông tin phát triển ứng dụng phần mềm quản lý hụi để minh bạch thông tin, giúp các thành viên chơi hụi dễ dàng theo dõi, giám sát các dây hụi.