1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thừa Thiên - Huế :

Huế sẽ có “Rừng mưa nhiệt đới”

(Dân trí) - Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có buổi làm việc với một số sở, ngành và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong về việc triển khai dự án “Rừng mưa nhiệt đới”.

Dự án “Rừng mưa nhiệt đới” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2263/QĐ-UBND ngày 30/10/2014, chủ đầu tư triển khai dự án là Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau đó, dự án được UBND tỉnh thống nhất giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong làm chủ đầu tư.

Dự án sẽ triển khai trên diện tích gần 70ha thuộc tiểu khu 91 (phường An Tây, thành phố Huế) và tiểu khu 154 (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy). Tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện 5 năm (2015 - 2020).

Mục tiêu của dự án là lưu giữ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen các loài thực vật rừng đặc trưng và tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới của các tỉnh duyên hải miền Trung, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Huế sẽ có “Rừng mưa nhiệt đới”

Một khu rừng thông tuyệt đẹp ở phía Tây Nam thành phố Huế. Dự án "Rừng mưa nhiệt đới" sắp triển khai tại Huế sẽ tạo ra được những thảm xanh với thực vật đặc trưng cho hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới khu vực duyên hải miền Trung

Đại diện Chủ đầu tư đã đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về nguồn vốn đầu tư, việc ươm cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng và nâng tổng mức đầu tư điều chỉnh lên hơn 7,5 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã cho phép mức tổng đầu tư mới, và cho phép chủ đầu tư linh hoạt việc sử dụng các loại cây bản địa, đặc trưng của khu hệ rừng mưa nhiệt đới (theo dự án là 48 loài cây) và diện tích trồng từng loại cây để thực hiện trồng cũng như không nhất thiết phải cung cấp chứng nhận nguồn gốc cây giống, bởi đây là những cây bản địa, đặc hữu, quý hiếm.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, dự án không lớn, nhưng có giá trị về mặt xã hội, đó là nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống…

Rừng mưa nhiệt đới đã và đang tiến hóa gần 200 triệu năm nay, bắt đầu từ thời đại Khủng long, hiện tại chỉ chiếm 7% diện tích bề mặt trái đất nhưng chiếm đến ½ tổng số loài của thế giới. Tại châu Á, rừng mưa mở rộng từ Srilanka và miền Tây Ấn Độ đến Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Ở nước ta, rừng này chiếm một diện tích lớn ở độ cao dưới 700m ở miền Bắc, dưới 800m ở miền Trung và 1.000m ở miền Nam.

Tại rừng mưa nhiệt đới, độ ẩm không khí rất lớn đạt 90%, nhiệt độ quanh năm dao động từ 25-30 độ C. Nhiệt độ tháng lạnh nhất cũng trên 18 độ, nhiệt độ cao nhất ít khi đạt tới 35-36 độ. Rừng mưa nhiệt đới là nơi trú ngụ của các cây lá rộng nên rất giàu loài thực vật như cây gỗ, cây bụi, cây leo, cây thảo… Cũng do còn nguyên sinh nên rất phong  phú về các động vật, nhất là côn trùng.








Đại Dương