Huế: Nhốn nháo kinh doanh vỉa hè
(Dân trí) - Giống như nhiều thành phố khác, khách du lịch khi đến Huế cũng bị “choáng ngợp” bởi tình trạng lộn xộn, nháo nhác, mất trật tự… diễn ra trên những vỉa hè nội thành.
Vỉa hè là quán cà phê
Phóng xe đi dọc bất cứ tuyến đường nào có vỉa hè trong thành phố Huế, có thể dễ dàng nhận ra vỉa hè đã bị biến thành những điểm kinh doanh hốt bạc. Vỉa hè là nơi bán đồ ăn, sách vở, giày dép, quần áo,… và nhiều nhất và hút khách nhất là những quán “cà phê cóc”.
Vào buổi sáng, không khí tấp nập diễn ra trên các vỉa hè đường Lý thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đinh tiên Hoàng,… Người dân đổ xô đi uống cà phê vỉa hè giá rẻ. Khách hàng có đủ mọi tầng lớp: công nhân, xe ôm, công nhân viên chức, học sinh sinh viên… Có những hôm đông khách còn xảy ra cảnh chen lấn nhau tranh chỗ ngồi, rất lộn xộn. Thậm chí đông khách, chủ quán còn bày bàn xuống cả phần lề đường.
Cô Hường, một chủ quán “cà phê cóc” trên đường Nguyễn Huệ cho biết: “Từ 6h30 đến 8h sáng là quãng thời gian đông khách nhất. Chỉ với một chiếc bàn bằng nhựa và mấy chiếc ghế nhỏ là đã có thể bán hàng, không mất tiền thuê địa điểm. Ở khu này tôi là người có công “khai phá” sớm nhất nên không bị ai “xâm chiếm” cả!”.
Quán “cà phê cóc” mà cô Hường “khai phá” nằm chềnh ềnh trên vỉa hè, lấn toàn bộ phần đường dành cho người đi bộ, khách đông nườm nượp, quang cảnh buổi sáng lúc nào cũng lộn xộn, ồn ào.
Trong khi đó, tại một địa điểm khác trên đường lê Lợi, dưới chân cầu Trường Tiền, cảnh cà phê náo nhiệt diễn ra từ sáng đến tối. Địa điểm này khá yên tĩnh, mát mẻ nên suốt ngày đông nghịt khách, không mấy khi thừa bàn. Dọc vỉa hè kín quán cà phê, nước ngọt, nước mía…
Chủ quán cà phê Cà Rốt cho biết: “Vỉa hè này nếu tôi không thuê thì cũng có người khác thuê để bán hàng thôi! Lấn chiếm gì đâu, chẳng qua là tranh thủ nơi công cộng để buôn bán phục vụ khách. Để không nó cũng lãng phí (!)”.
Vỉa hè là gian hàng hạ giá
Vỉa hè là điểm kinh doanh “vàng”. Điều này chẳng phải chỉ những chủ quán cà phê mới biết. Những quán cơm bụi, bánh mỳ, hàng quần áo hạ giá, hàng thủ công mỹ nghệ, sách báo cũ,… cũng đua nhau tận dụng vỉa hè để hốt bạc. Chỉ tính riêng đoạn đường Lý Thường Kiệt dài chưa đầy một cây số có đến vài chục gánh hàng kinh doanh đủ loại mặt hàng. Đường Đống Đa cứ chập tối lại đông kín người đổ xô đến mua quần áo, giày dép hạ giá.
Ông Thanh, một người dân sống gần quán vỉa hè Chè Chùa, than phiền: “Cứ tối đến là đông nghịt khách, xe cộ vứt lộn xộn bên vệ đường. Chúng tôi muốn đi vào nhà mình cũng rất khó khăn vì lối đi đã bị khách “bịt” kín”.
Để đối phó với cơ quan chức năng, các chủ hàng thường trang bị những xe đẩy tiện dụng, gian hàng tháo lắp “cơ động”, bàn ghế chọn loại rẻ tiền để nếu lỡ bị thu gom cũng không “tốn”.
Cơ quan chức năng cũng thường xuyên đi “quét”, nhưng “quét” tối hôm trước, sáng hôm sau lại thấy náo nhiệt như thường.
“Tôi nghĩ, Huế là một thành phố du lịch rất hấp dẫn nhưng tình trạng vỉa hè ở đây quá lộn xộn, nhiều lúc muốn đi bộ buổi sáng dạo quanh thành phố cũng hơi ngại vì phần đường dành cho người đi bộ trên vỉa hè đã bị lấn chiếm, nhiều nơi biến thành địa điểm kinh doanh cơ động! Đây là vấn đề liên quan đến mỹ quan đô thị, không nên để chuyện này ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển du lịch của thành phố!” - cô Hồng, một khách du lịch đến từ Sơn La, nói.
Bá Mạnh