Huế: Liệu còn đất cho người chết?
Ở Huế bây giờ, nhiều nơi người sống còn ở chung với người chết. Lăng mộ lớn có thể nằm ngay trung tâm thành phố, cạnh phố lớn.
Từ khi mở cửa, hội nhập, khu công nghiệp, khu du lịch phát triển rầm rộ, đường giao thông liên xã, liên vùng mở rộng, phát sinh chuyện giải tỏa, di dời mồ mả, nên đất nghĩa địa bị thu hẹp dần.
Mặt khác, đất nghĩa địa thì cố định mà người chết dần tăng lên hằng năm. Vậy, liệu có còn đất cho người chết? Đây là vấn đề tâm linh, tập quán, nhưng cũng là vấn đề môi trường, kinh tế nóng bỏng!
Ở Thừa Thiên - Huế hiện nay, nhiều nơi người sống ở lẫn với người chết. Theo Tiêu chuẩn VN 4449-1987, thì mộ người chết phải nằm cách khu dân cư gần nhất 1.500m. Thế mà ở Huế, người ta xây mộ ngay trong vườn nhà, vườn chùa. Ở phường Trường An, xã Thủy Xuân, Thủy Biều, Thủy An, Kim Long... nửa là nhà của người sống, nửa đất là mộ người chết.
Mộ nằm ngay cạnh phố lớn. Mộ nằm ngay trong khuôn viên chùa Phổ Quang, Thiên Mụ ở trung tâm thành phố. Toàn tỉnh có năm nghĩa trang do Công ty Môi trường đô thị quản lý với diện tích 117ha, trong đó có nghĩa trang đã hết diện tích; các nghĩa trang còn lại mới đưa vào sử dụng từ năm 1999 đến nay; mộ chí cũng đã lấp gần một nửa!
Còn lại 7.614ha là nghĩa trang tự phát của tộc họ, gia đình. Thậm chí có người giàu lên từ nghề “bán mộ”. Họ đi đắp hàng trăm ngôi “mộ gió” ở đồi rồi bán cho những gia đình có nhu cầu chôn cất người chết để kiếm tiền, chẳng cần xin phép ai. Chùa Ba Đồn cũng bán hàng trăm lô đất mộ. Lâm trường Tiền Phong ở gần Thiên An cũng bán đất mộ. Nhiều nhà xây lăng mộ ở những nơi rất cao, như đồi Vọng Cảnh, hay trên các đỉnh núi bờ nam sông Hương. Nghĩa là không gian Huế, môi trường Huế đang xấu đi vì mộ chí nham nhở, thiếu qui hoạch, làm xấu cảnh quan của thành phố du lịch.
Còn ở các huyện? Do nhiều năm không ai quản lý nên nghĩa địa mọc lên tự phát, mạnh ai nấy làm. Nghĩa địa lấn cả đất sản xuất, đất dân cư. Ở các xã vùng biển Phú Vang, Phú Lộc, từ nguồn tiền của người thân ở nước ngoài gửi về, hàng ngàn gia đình đua nhau bao chiếm đất xây lăng.
Có ngôi mộ chiếm tới 200-300m2 đất, chạm rồng phượng, trụ biểu cao ngất như lăng vua. Ở xã Vinh An (Phú Lộc) có ngôi mộ rộng tới 600m2, được xây dựng với số tiền 30.000 USD. Thậm chí nhiều người đang sống mới 49 tuổi đã xây “lăng gió” cho mình. Người ta gọi những khu lăng mộ đó là “những thành phố âm”! Kết quả là nhiều xã hiện nay không còn diện tích đất cho nhu cầu mai táng của dân cư!
Theo số liệu của Ban pháp chế HĐND tỉnh, thì Thừa Thiên - Huế là tỉnh có tỉ lệ diện tích đất nghĩa địa thuộc loại cao nhất nước, bằng 12,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 1,53% diện tích tự nhiên của tỉnh! Ở nhiều xã diện tích đất nghĩa địa phổ biến chiếm tỉ lệ rất cao trên tổng diện tích đất tự nhiên: xã Điền Môn (huyện Phong Điền) có 462,72ha/1.754ha, chiếm 27%; xã Quảng Vinh (Quảng Điền) 12%; xã Hương Toàn (Hương Trà) 13%; xã Thủy Xuân (TP Huế) 15%; xã Vinh Hưng (Phú Lộc) hơn 14%. Rất nhiều xã tỉ lệ này là 9-10%. Đặc biệt, xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) có 285ha đất nghĩa địa trên tổng số 812ha đất tự nhiên, chiếm 35%. Đất nghĩa địa ở xã này cao gần gấp đôi đất sản xuất nông nghiệp (285ha/157,6ha) và cao gấp sáu lần đất ở của người sống (285/47,2ha)...
Cho nên rất nhiều người già ở Vinh Mỹ, Vinh Hiền (Phú Lộc), Điền Môn (Phong Điền)... đang rất lo lắng khi mình nằm xuống sẽ không có đất chôn, vì chẳng lẽ đưa sang đất xã khác để chôn?! Rõ ràng, không chỉ ở Thừa Thiên - Huế, mà đất cho người chết là vấn đề đáng báo động trong phạm vi cả nước! Vậy làm sao để đủ đất cho người chết? Quan trọng nhất là làm sao người chết có mộ đàng hoàng mà không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và môi trường? Theo chúng tôi, có mấy vấn đề như sau:
Phải khẩn trương lập qui hoạch hệ thống đất nghĩa địa từ xã đến huyện, đến tỉnh. Từ đó lên kế hoạch, qui hoạch các khu nghĩa địa nhân dân các xã, huyện. Sau đó tỉnh phải ra quyết định về định mức diện tích mộ mới, mộ cải táng, để chấm dứt tình trạng ai muốn xây lăng mộ với diện tích bao nhiêu cũng được.
Bộ VH-TT có văn bản qui định trong cả nước diện tích mộ mới là 3m2, mộ cải táng hay di dời là 2m2. Ở Thừa Thiên - Huế, các nghĩa trang phía nam và nghĩa trang phía bắc Huế đều qui định mộ di dời là 4m2, mộ mới là 9,7m2, qui định xây lăng tẩm trong khu vực mộ tự chọn cao không quá 1,2m. Vậy qui định nào là hợp lý? Đây là vấn đề tập quán tâm linh, nên phải tùy theo từng địa phương mà qui định cụ thể.
Thứ hai là vấn đề làm sao để mai táng người chết một cách đàng hoàng trên một diện tích nghĩa địa ngày càng eo hẹp? Bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua cho biết tỉnh đang phấn đấu giảm diện tích đất nghĩa trang xuống còn 7.533ha năm 2005 và đến năm 2010 sẽ xuống 7.495ha. Nghĩa là diện tích đất cho người chết có xu hướng ngày càng giảm đi.
Muốn giải quyết mâu thuẫn này, không có con đường nào khác là phải áp dụng phương thức cải táng và hỏa táng. Tỉnh phải có một nghĩa địa để mai táng người chết trong thời hạn nhất định (2-3 năm) kiểu như nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội, sau đó là cải táng đến nghĩa trang xa hơn, với diện tích nhỏ hơn. Như thế mới tiết kiệm đất.
Hỏa táng là một truyền thống của Phật giáo từ xa xưa, là một hình thức mai táng văn minh, vệ sinh và tiết kiệm đất nhất. Huế là đất Phật từ mấy trăm năm nay. Nhưng kỳ lạ là đến nay ở Huế (và cả Đà Nẵng, Nha Trang, Qui Nhơn và các tỉnh miền Trung) vẫn chưa có cơ sở hỏa táng nào!
Tôi biết vài năm nay, nhà văn Võ Mạnh Lập ở Huế đang ấp ủ dự án xây một đài “Hóa thân Hoàn Vũ” ở Huế, nhưng bỏ vốn ra thì còn nhiều e ngại. Tôi mạnh dạn đề nghị các tỉnh miền Trung nên khuyến khích hình thức mai táng này bằng cách tỉnh nên đầu tư ngân sách để đơn vị quản lý đất nghĩa trang xây lò hỏa táng đầu tiên, sau đó thu lại vốn bằng phí dịch vụ.
Ngô Minh Khôi
Tuổi trẻ