Huế: “Hàng rào dioxin” bị tàn phá
(Dân trí) - Huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) là vùng trọng điểm của chiến tranh hoá học; từ năm 1965 - 1970, A Lưới “lĩnh” hơn 250 vụ rải chất độc hóa học. Dự án “Xây dựng hàng rào xanh vùng trọng điểm dioxin huyện A Lưới” là nhằm cách ly thứ hoá chất độc hại này với người dân nơi đây.
Dự án do Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên & Phát triển cộng đồng - Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đầu tư, với số vốn hơn 160 triệu đồng, được triển khai từ tháng 8/2005. Hàng rào xanh ban đầu kéo dài 2.000m, bao trọn một vùng rộng 6ha, được xem là điểm nóng dioxin của huyện A Lưới.
Theo kế hoạch của dự án, hàng rào này sau 1, 2 năm sẽ giúp người và gia súc nơi đây cách ly hẳn được với vùng nguy hiểm. Nhưng đến nay, hơn 50% “hàng rào xanh” bằng cây Bồ Kết đã bị khô héo, trâu bò dẫm gãy đổ mà chết, số cây còn lại cũng chỉ sống leo lắt.
Do ý thức người dân còn thấp, lại chưa nhận thấy hết tầm quan trọng của hàng rào này nên dù xã đã cho người canh gác, hàng cây bồ kết cứ chưa kịp lớn đã tàn.
Trong khi đó, theo tài liệu thống kê của Uỷ ban 10-80 Việt Nam, ở A Lưới đang có một sự thật, đó là sự hiện diện của chất độc da cam dioxin với nồng độ cao trong máu và sữa mẹ; trong mỡ của một số loài động vật; trong máu của các cư dân trẻ sinh ra sau chiến tranh;...
Văn Minh