1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hủ tục trộm vợ: Bao giờ mới hết?

(Dân trí) - Biến tướng của tục trộm vợ gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là đối với các em gái ở độ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên làm thế nào để ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng này thì các cơ quan hữu quan vẫn chưa thể tìm ra phương án tối ưu.

Khó xử lý

Theo đánh giá của UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thì tình trạng “bắt vợ”, tảo hôn vẫn còn xảy ra phức tạp, nhất là vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Một số vụ trộm vợ (thực tế là “bắt vợ” – cưỡng ép hôn nhân) không đúng với phong tục truyền thống trước đây của đồng bào Thái mà có dấu hiệu biến tướng, lợi dụng phong tục... Đặc biệt, các trường hợp đều vi phạm Luật hôn nhân gia đình vì các cháu gái chưa đủ tuổi kết hôn, thậm chí có cháu đang ở độ tuổi trẻ em.

UBND huyện Quỳ Hợp đã ban hành nhiều công văn chấn chỉnh tình trạng trộm vợ, tảo hôn nhưng tình trạng trộm vợ ở đây vẫn được đánh giá là phức tạp
UBND huyện Quỳ Hợp đã ban hành nhiều công văn chấn chỉnh tình trạng trộm vợ, tảo hôn nhưng tình trạng trộm vợ ở đây vẫn được đánh giá là phức tạp

Dịp Tết Nguyên đán 2017, cộng đồng mạng “dậy sóng” bởi một vụ “trộm vợ”, đúng ra là một vụ bắt vợ xảy ra tại xã Châu Lộc (Quỳ Hợp). Trong clip được đăng tải trên mạng xã hội, một cô gái trẻ bị một nhóm thanh niên bắt, đưa lên xe máy chở đi mặc cô vùng vẫy, kêu khóc. Rất may, nhờ sự giúp đỡ của một số người dân, cô gái đã thoát được đám thanh niên kia.

Cơ quan chức năng sau đó đã xác định được danh tính những người có liên quan. Tuy nhiên, do việc bắt giữ người trái phép không xảy ra, phía cô gái cũng không có đơn tố cáo, trình báo cơ quan chức năng nên việc xử phạt những thanh niên nói trên chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.

Năm 2016, gia đình hai bên đã tổ chức đám cưới cho Lê Anh T. và Nguyễn Thị Phương T. (đều sinh năm 2000). Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Minh Hợp đã xử phạt hành chính 1 triệu đồng đối với gia đình bà Bùi Thị X. (nhà trai) về hành vi tổ chức cưới vợ cho người chưa đủ tuổi kết hôn. UBND xã Nghĩa Xuân cũng xử phạt gia đình ông Nguyễn Văn T. (nhà gái) 1 triệu đồng vì vi phạm tương tự.

Hôn nhân theo tục trộm vợ của đồng bào Thái ở Quỳ Hợp (Nghệ An) tôn trọng quyền quyết định của cô gái. Bởi vậy, các cô gái cần phải tự đưa ra quyết định tới cuộc sống và hôn nhân của mình (trong ảnh là một cô dâu người Thái trước giờ đưa dâu - Ảnh Thái Tâm)
Hôn nhân theo tục trộm vợ của đồng bào Thái ở Quỳ Hợp (Nghệ An) tôn trọng quyền quyết định của cô gái. Bởi vậy, các cô gái cần phải tự đưa ra quyết định tới cuộc sống và hôn nhân của mình (trong ảnh là một cô dâu người Thái trước giờ đưa dâu - Ảnh Thái Tâm)

Liên quan đến sự việc này, UBND huyện Quỳ Hợp đã yêu cầu xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân có văn bản yêu cầu TAND huyện Quỳ Hợp ra quyết định buộc chấm dứt quan hệ vợ chồng trái pháp luật với Lê Anh T. và Nguyễn Thị Phương T.

Trước đó, cũng liên quan đến việc “trộm vợ”, Lữ Văn B. (Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Châu Tiến (Quỳ Hợp) bị kỷ luật về mặt Đảng, miễn nhiệm chức danh Phó Bí thư Đoàn Thanh niên.

Theo bà Vi Thị Hoa – Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳ Hợp thì việc xử lý các trường hợp như thế này rất khó bởi liên quan đến phong tục và quan niệm hôn nhân của đồng bào Thái. Các vụ việc thường xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa, nên khi cơ quan chức năng tiếp cận được thông tin thì mọi việc đều đã thành “chuyện đã rồi”.

“Hầu hết các vụ trộm vợ xảy ra thì cô gái đang ở độ tuổi vị thành niên. Chính quyền địa phương sẽ không cho đăng kí kết hôn và xử phạt hành chính về hành vi tảo hôn. Tuy nhiên không được đăng kí kết hôn thì các cặp đôi vẫn làm lễ cưới, sinh con đẻ cái, đợi đến khi đủ tuổi mới đi đăng kí”, bà Hoa cho hay.


Em Hà Thị Hồng T. (Trường THPT Quỳ Hợp 3, bên phải) kể lại 2 lần chiến đấu với nạn trộm vợ

Em Hà Thị Hồng T. (Trường THPT Quỳ Hợp 3, bên phải) kể lại 2 lần "chiến đấu" với nạn trộm vợ

Các vụ trộm vợ, “bắt vợ” xảy ra hầu hết các em gái và gia đình không trình báo cơ quan chức năng. Bởi vậy, việc xử lý hình sự đối với những trường hợp này rất khó. Đó là chưa kể những vướng mắc vì liên quan đến phong tục, tập quán của đồng bào Thái nơi đây. Trên thực tế, nhiều vụ trộm vợ chỉ bị xử lý hành chính về hành vi tảo hôn.

Biến tướng tục "cướp vợ" bao giờ chấm dứt?

Đối với đồng bào Thái, những trường hợp trộm vợ, lễ cưới chỉ diễn ra khi có sự đồng ý của cô gái. “Cô gái phải là người xác định tương lai của mình, đã sẵn sàng bước vào cuộc hôn nhân hay chưa? Nếu cô gái không ăn cơm, uống rượu chung trong lễ cúng ma của nhà chàng trai thì đám cưới cũng không thể diễn ra. Nhưng trên thực tế, có những trường hợp dù không có tình cảm với nhau nhưng do cam chịu hoặc mang tư tưởng đã bị trộm, bị “mất giá” nên chấp nhận làm đám cưới”, bà Hoa thông tin.

Nữ sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 trong buổi sinh hoạt CLB bạn gái về phòng chống nạn trộm vợ, tảo hôn
Nữ sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 trong buổi sinh hoạt CLB bạn gái về phòng chống nạn trộm vợ, tảo hôn

Để chấn chỉnh tình trạng trộm vợ, tảo hôn, UBND huyện Quỳ Hợp đã ban hành nhiều văn bản, quy định rõ nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội cũng như chính quyền các địa phương về tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. “Bên cạnh có chế tài đủ mạnh để răn đe các vụ trộm vợ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, UBND huyện Quỳ Hợp sẽ đưa nội dung chống trộm vợ, tảo hôn vào tiêu chí thi đua giữa các xã”, bà Hoa cho hay.

Trường THPT Quỳ Hợp 3 là nơi có 577/973 học sinh là nữ sinh người dân tộc Thái. Đây cũng là đối tượng nằm trong nguy cơ cao của nạn trộm vợ. Và trên thực tế, mỗi năm cũng có từ 3-6 nữ sinh của trường bị trộm làm vợ và nghỉ học sau khi lấy chồng.

“Khi các em đã “ăn cơm, uống rượu chung” theo phong tục của người Thái thì khó có thể ngăn đám cưới diễn ra. Chúng tôi chỉ có cách phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền vận động gia đình hai bên hoãn làm lễ cưới để các em có thể tiếp tục học cho đến khi hoàn thành chương trình THPT”, ông Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 cho biết.

Các nữ sinh thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về nạn trộm vợ, tảo hôn mà chính các em có nguy cơ trở thành nạn nhân
Các nữ sinh thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về nạn trộm vợ, tảo hôn mà chính các em có nguy cơ trở thành nạn nhân

Bởi vậy trang bị kỹ năng phòng, chống việc bị trộm làm vợ là ưu tiên hàng đầu của Trường THPT Quỳ Hợp. Bên cạnh lồng ghép những nội dung này trong các buổi chào cờ, sinh hoạt chung, định kỳ hàng tháng, Trường THPT Quỳ Hợp tổ chức sinh hoạt CLB bạn gái của trường, trong đó chú trọng nội dung về phòng chống hủ tục trộm vợ và tảo hôn.

Thông qua các tài liệu được các giáo viên của trường thu thập, chuẩn bị và các tình huống cụ thể sẽ giúp các nữ sinh “nhận diện” chính xác về trộm vợ, tảo hôn và hậu quả của nó đối với sức khỏe, tâm lý cũng như cuộc sống sau này của chính các em. Từ đó, giúp học sinh trang bị kỹ năng để phòng, chống nạn trộm vợ, tảo hôn, bảo vệ bản thân trước vấn nạn này.

“Bên cạnh trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng chống nạn trộm vợ, nhà trường cũng công bố đường dây nóng (số điện thoại của Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên…) để các em liên hệ và được giúp đỡ trong trường hợp gặp nguy hiểm”, ông Nguyễn Minh Đạt thông tin.

Hoàng Lam