Gia Lai:
Hủ tục thuốc thư và bi kịch bị cả làng đuổi giết
(Dân trí) - Chỉ vì những câu nói thiếu kiềm chế trong lúc tức giận, ông Phônh (69 tuổi, làng T’Rá, Lơ Pang, Mang Yang, Gia Lai) đã bị mọi người cho rằng có thuốc thư, có thể giết người. Vì vậy họ kéo đến nhà ông này, sẵn sàng đánh ông đến chết.
Bị cả làng tẩy chay, đòi giết vì… lời nói
Với người J’rai và Bahnar ở Gia Lai, “thuốc thư, ma lai” là thứ quyền lực cao siêu, chưa ai biết “mặt mũi” nó như thế nào, nhưng chỉ cần 1 câu nói lỡ lời là có thể bị xem là có thuốc thư. Hậu quả, nhẹ thì bị đuổi ra khỏi làng, đập phá tài sản và nhà cửa; nặng thì bị cả làng dồn đánh đến chết.
Trong mỗi lần đi uống rượu với dân làng, khi đã ngà ngà say, ông Phônh thường nói năng linh tinh, khoe rằng mình là người biết nhiều thứ, “có cái này, cái kia” để hăm dọa bà con trong làng, khiến dân làng sợ hãi và đem lòng ghét. Trong một lần ngồi uống rượu với người hàng xóm, khi say ông Phônh đã lấy tay vỗ ngực mình và nói “ta là ta đây”. Câu nói này sau đó được lan truyền khắp cả làng và được hiểu rằng: ông Phônh tự cho mình là trên hết, có sức mạnh đầu đội trời chân đạp đất.
Chủ nhân của ngôi nhà gạch mới xây này bị nghi có thuốc thư nên cả làng đã kéo đến phá tan phần tường nhà, phải ráp lại bằng tôn.
Từ đó ông Phônh bị cả làng cho là người có thuốc thư. Cách đây vài năm, trong một lần đi uống rượu cùng nhau, khi về, ông H’Mới đi nhầm 1 chiếc dép của ông Phônh khiến ông Phônh tức, chửi bới và đánh vào cổ ông H’Mới. Một thời gian sau, cổ của ông H’Mới bị sưng đúng chỗ bị ông Phônh đánh hôm trước. Gia đình đưa ông H’Mới đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai rồi được chuyển vào TPHCM nhưng sau đó ông H’Mới đã chết vì bệnh ung thư. Cho rằng cái chết của ông H’Mới là do ông Phônh làm, cả làng Đắk Lá đã kéo nhau đến nhà ông Phônh đánh cho ông này gần chết rồi bỏ về.
Vào khoảng tháng 12/2011 (âm lịch), ông Phônh thuê ông Phưp trong làng nhổ mì 2 ngày. Sau khi ông Phưp làm xong, ông Phônh không chịu trả tiền công cho ông Phưp. Quá tức giận, ông Phưp đã đến nhà ông Phônh bắt trộm gà để trừ vào tiền công.
Đồ đạc trong nhà ông Phônh bị dân làng kéo nhau đến đập phá
Ông Phônh biết chuyện liền qua nhà ông Phưp la chửi, hăm dọa với những lời nói liên quan đến bệnh tật, chết chóc. Điều trùng hợp không may xảy ra, sau đó khoảng 10 ngày, ông Phưp đổ bệnh, máu trào ra miệng rồi chết. Một lần nữa cái chết của ông Phưp lại được cho rằng có nguyên nhân bắt nguồn từ ông Phônh.
Theo phong tục của làng, ngay trong đêm hôm đó, cả làng đốt lửa kéo nhau đến nhà ông Phônh để tìm giết ông này. Đoán trước được tình hình, ông Phônh đã bỏ trốn lên rừng từ trước đó. Không tìm thấy ông Phônh, người dân trong làng đã đập phá nhà cửa và toàn bộ tài sản nhà ông Phônh. Và kể từ đó đến nay, cả dân làng T’Rá vẫn chưa nguôi cơn giận giữ muốn giết ông Phônh.
Người đàn ông này sợ hãi khi nhắc đến hủ tục thuốc thư và quyết giấu tên vì sợ "tai vách mạch rừng", dân làng nghe được sẽ kéo đến đánh giết
Biết cả làng vẫn đang rình đánh chết mình, không thể về, cũng không thể trốn mãi trên rừng, ông Phônh bèn lẻn trốn về UBND xã để trình báo sự việc và cầu cứu. Chính quyền địa phương đã can thiệp, nhiều lần đến làng tuyên truyền, vận động nhưng cả làng vẫn giữ vững “lập trường” phải giết chết ông Phônh mới trừ bỏ được thảm họa thuốc thư.
Để giữ tính mạng cho mình, suốt những ngày Tết Nhâm thìn vừa qua, ông Phônh phải “ăn Tết” trong ủy ban xã. Lãnh đạo công an xã đã cầu cứu lên lãnh đạo công an huyện Mang Yang. Biết con đường quay về làng của ông Phônh còn rất mịt mùng nên công an huyện đã tìm cho ông Phônh một nơi ở mới và công việc để mưu sinh.
Anh A Dư - Trưởng Công an xã Lơ Pang - cho biết: “Không có chuyện có thuốc thư, nhưng bà con nơi đây rất tin điều đó. Ông Phônh bị như vậy là do cái miệng của ông ấy thôi, chuyện ông Phưp chết chỉ là trùng hợp. Bây giờ cả làng cứ đòi giết ông ấy, chính quyền tuyên truyền thế nào cũng không nghe nên chúng tôi phải đưa ông Phônh đi trốn nơi khác”.
Uống nước ngoài nhà mả để chứng minh trong sạch
Cũng trong năm 2011, ông Him (khoảng 60 tuổi) ở làng Ró, xã Lơ Pang cũng bị dân làng cho rằng có thuốc thư, gây chết người là ông Lơ. May mắn hơn ông Phônh, trước khi bị giết chết hoặc bị đuổi đi khỏi làng, ông Him đã được làng cho cơ hội để “chứng minh” bản thân không có thuốc thư bằng cách cứ mỗi buổi chiều khi gia đình ông Lơ mang đồ ăn, nước uống ra mộ ông Lơ để thay, ông Him và cả làng phải ra theo. Ông Him phải uống bát nước mà người thân ông Lơ cúng cho ông Lơ từ chiều hôm qua, rồi thay nước mới cho ông Lơ.
Theo quan niệm của người dân nơi đây, nước cúng cho người chết ở nhà mả là loại nước rất ghê sợ và linh thiêng, nếu ông Him uống nước này mà sinh bệnh hay chết thì chứng tỏ ông Him có thuốc thư, còn nếu ông Him không việc gì thì ông Him là người bình thường.
Sau một thời gian uống nước nhà mả của ông Lơ, ông Him vẫn sống khỏe nên bà con trong làng không còn nghi ngờ ông Him nữa, cho phép ông này sống tại làng. Vì ông Him đã phải uống nước ở nhà mả nên dân làng đã đền bù cho ông Him bằng cách đôi bên cùng bỏ tiền mua rượu về... nhậu.
Hiện nay, với bà con ở Gia Lai, “ma lai, thuốc thư” vẫn là một hủ tục gây nhiều nỗi đau cho cộng đồng. Rất nhiều người đã bị chính bà con, họ hàng mình giết chết chỉ vì “lỡ miệng”. Do nhận thức còn nhiều hạn chế mà hủ tục này vẫn “sống” trong cộng đồng người dân nơi đây.
Thiên Thư