1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

Hợp tác xã điện “bắt nạt” dân nghèo vùng lũ

(Dân trí) - Chưa hết điêu đứng sau trận lũ lịch sử khiến hàng trăm nhà ngập nóc, người dân xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch - Quảng Bình) còn bị HTX dịch vụ điện ép đổi, mua mới đồng hồ điện ở cửa hàng của vợ ông chủ nhiệm để trục lợi.

Chồng bán điện, vợ bán đồng hồ

Sau khi nắm bắt được quy định sửa chữa, thay mới miễn phí đồng hồ điện cho người dân bị ảnh hưởng trong lũ, nhiều người dân ở xã Sơn Trạch đã gửi đơn lên chính quyền các cấp và các cơ quan báo chí tố cáo việc ông Trần Quốc Hoàn - Chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Sơn Trạch lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân để bắt đổi đồng hồ điện hỏng, mua mới với giá đắt từ 100.000 - 250.000 đồng/chiếc.

Theo ông Trần Văn Quế (thôn Hà Lời): Do sau lũ bị mất điện, ông không nắm được thông tin nên khi được người của HTX dịch vụ điện thông báo phải mang đồng hồ lên cửa hàng của bà Nguyễn Thị Khuyên (vợ ông Hoàn) để đổi, ông tin ngay. Mang hai chiếc đồng hồ bị hỏng lên đổi lấy hai đồng hồ cũ khác, ông bị bà Khuyên lấy giá 220.000 đồng. Khi có điện rồi ông mới biết thông tin về chính sách của ngành điện qua tivi và viết đơn tố cáo ông Hoàn.

Không riêng ông Quế, nhiều người dân xã Sơn Trạch cũng không có lựa chọn khác phải đến đổi và mua mới đồng hồ điện tại cửa hàng của bà Khuyên theo chỉ dẫn của HTX dịch vụ điện. Mỗi đồng hồ mới được bán giá 250.000 đồng, mỗi lần đổi mất 100.000 - 130.000 đồng.

Nhiều hộ dân còn phản ánh: sau khi bị lũ cuốn trôi hết tài sản, không có tiền để đổi, mua mới đồng hồ nên bị HTX cắt điện trong nhiều ngày. Ngoài ra, mỗi hộ còn phải chi trả 20.000 đồng tiền tháo lắp đồng hồ.

Điển hình nhất là bà Nguyễn Thị Điểu (thôn Cổ Lạc) cho biết đã đổi 2 đồng hồ tại cửa hàng của bà Khuyên, mất 260.000 đồng. Biết mình mất tiền oan, bà gặp ông Hoàn hỏi chuyện thì được ông này trả lại 100.000 đồng. Hôm sau, bà chưa nguôi ấm ức lại tìm gặp ông Hoàn và nhận thêm 20.000 nữa song bà vẫn viết đơn tố cáo vì cho rằng ông Hoàn đã trục lợi trên sự thiếu thông tin của bà.

Bán đồng hồ cho dân vì… lòng hảo tâm?!

Ông Trần Quốc Hoàn - người bị tố cáo - thừa nhận việc nhiều người dân đến mua và đổi đồng hồ điện ở cửa hàng của vợ ông từ sau lũ. Song ông cho rằng ông không ép dân mà chỉ “giới thiệu” rằng ở cửa hàng của vợ ông có bán và đổi mặt hàng này.

“Xuất phát từ lòng hảo tâm, tôi động viên vợ làm giúp dân để họ sớm có điện dùng chứ lời lãi được mấy đâu”, ông Hoàn trần tình. Chưa rõ ông Hoàn “ép” hay “giới thiệu” và việc bán đồng hồ điện cho dân khi đã có chính sách sửa, thay mới miễn phí của ngành điện là xuất phát từ lòng hảo tâm hay vụ lợi, song có một sự thật là vì liên tục bị dân khiếu kiện nên cửa hàng của bà Khuyên phải tạm đóng cửa sau “phi vụ hảo tâm” nói trên.

Hợp tác xã điện “bắt nạt” dân nghèo vùng lũ - 1
Cửa hàng của bà Khuyên tạm đóng cửa vì người dân "tố" quá nhiều.

Ông Nguyễn Công Trứ - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch - xác nhận: UBND xã đã nhận được một số đơn thư của dân tố cáo vợ chồng ông Hoàn, bà Khuyên ép dân đổi, mua đồng hồ điện. Hiện UBND xã Sơn Trạch đang yêu cầu ông Hoàn báo cáo sự việc và cử cán bộ tìm hiểu thực hư.

“Ngay sau khi lũ rút, UBND xã đã chỉ đạo HTX khắc phục thiệt hại, cấp điện sớm cho dân. Xã đã đề nghị HTX tính toán mức sử dụng điện của từng hộ để tạo điều kiện cho các hộ chưa khắc phục kịp đồng hồ dùng khoán nhưng HTX không thực hiện vì lý do “không đúng luật”, ông Trứ cho biết.

Ông Trứ cũng khẳng định, nếu đơn tố cáo của dân là đúng thì việc làm của ông Hoàn là lợi dụng sự khó khăn của dân để chèn ép. Ông cho rằng đó là việc làm không chấp nhận được và sẽ xử lý nếu đúng.

Ông Dương Minh Sơn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình - cho biết: không riêng gì sau lũ, Luật Điện lực đã quy định rõ đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư, lắp đặt toàn bộ thiết bị đo đếm điện và thiết bị phụ trợ. “Việc sửa chữa, kể cả thay mới đồng hồ của các hộ dân không chỉ trong lũ lụt, phải do HTX dịch vụ điện Sơn Trạch bỏ ra chứ không được thu của dân” - ông Sơn khẳng định.
 

Còn HTX điện, dân còn khổ dài!

 

Ông Dương Minh Sơn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình - nói chuyện người dân bị chèn ép, thiệt thòi là không hiếm nếu các địa phương tiếp tục “ôm” các HTX điện và không chịu bàn giao lưới điện trung - hạ áp nông thôn cho ngành điện.

 

Hiện toàn tỉnh Quảng Bình còn 78/159 xã, phường chưa chịu bàn giao lưới điện, trong đó có xã Sơn Trạch. Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Bình, đa phần các HTX dịch vụ điện đều không thực hiện đúng quy định của Nhà nước như không có hợp đồng mua bán điện với dân, không phát hành hóa đơn tiền điện, không có sổ sách kế toán...

 

Nguyên nhân của việc các địa phương không chịu bàn giao lưới điện, theo ông Sơn, gắn liền với sự nhập nhèm trong giá điện và những khoản tiền ngoài ngân sách đem lại cho các HTX và địa phương.

 

“Hầu hết các mạng trung - hạ áp nông thôn chưa bàn giao hiện đã xuống cấp nặng, tỷ lệ hao hụt có nơi lên tới 45% và thường sự hao hụt này sẽ đổ đầu người sử dụng. Ngoài ra, những địa phương không bàn giao lưới điện sẽ không được hưởng dự án nâng cấp lưới trung - hạ áp nông thôn đến năm 2012 với số vốn gần 150 tỷ đồng, đó tiếp tục là thiệt thòi cho dân”, ông Sơn cho biết.

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm