1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp long cầu dây văng hiện đại nhất TPHCM

(Dân trí) - Ngày 19/5, cầu Phú Mỹ đã chính thức được hợp long, hoàn thành nhịp cầu cuối cùng, đi vào lịch sử xây dựng cơ sở hạ tầng của TPHCM vì là một trong những công trình lớn hiếm hoi hoàn thành trước thời hạn.

Hoàn thành sớm 1 quý
 
Trong buổi lễ hợp long, những gương mặt lãnh đạo Công ty B.O.T cầu Phú Mỹ (chủ đầu tư dự án) như ông Nghiêm Sỹ Minh (Chủ tịch hội đồng quản trị), ông Nguyễn Thành Thái (Tổng Giám đốc)… không giấu sự hân hoan khi dự án của họ đã hoàn thành trước tiến độ trong hợp đồng ký kết với thành phố, không xảy ra sự cố gì nghiêm trọng, tạo được uy tín lớn trong giới xây dựng và quan chức lãnh đạo…


Hợp long cầu dây văng hiện đại nhất TPHCM - 1

Dù cầu Phú Mỹ còn nhiều bề bộn, nhưng cơ bản phần thân chính đã hoàn thành
Ông Nghiêm Sỹ Minh phát biểu: “tuy thời gian đầu cũng có nhiều trở ngại, nhiều cán bộ thiếu tin tưởng vì đây là dự án B.O.T thực sự đầu tiên, vốn đều là của chủ đầu tư và vốn vay... Do vậy, dự án đã khởi động chậm vài tháng, tổng vốn đầu tư bị nâng lên. Nhưng với sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu và sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, dự án cũng đã thành công”.
 
Hợp long cầu dây văng hiện đại nhất TPHCM - 2

Làm nghi thức hợp long cầu

Các quan chức TPHCM cũng vui vẻ không kém. Vì chỉ vài tháng trước, chủ đầu tư và họ còn họp tới họp lui bàn về các phương án giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các đường dẫn kết nối đường Nguyễn Văn Linh và Xa lộ Hà Nội với cầu… Nay, gói thầu chính trong dự án, công trình trọng tâm là cây cầu đã hợp long sớm hơn dự kiến đến 1 quý.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TPHCM, đánh giá: “Công trình không chỉ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực giao thông cho thành phố, nó còn là một kiến trúc đẹp và mang đậm dấu ấn của thành phố”.
 
Hợp long cầu dây văng hiện đại nhất TPHCM - 3

Lãnh đạo TPHCM tham quan cầu

Anh Long, một công nhân xây dựng tại công trình này, vui vẻ chuyện trò: “Làm ở đâu cũng là thợ xây dựng, kiếm miếng cơm thôi. Nhưng được làm những công trình lớn như thế này thì cũng thấy tự hào hơn. Biết đâu sau này có dịp đưa con cái đến đây chơi thì có thể khoe bố nó từng xây dựng nên cây cầu này”.
 
Sôi động nhà đất dưới chân cầu

Tụ tập dưới chân cầu ngóng xem đoàn xe ra vào dự lễ hợp long, bà con phía quận 7 đều khấp khởi mừng. Bởi khi cây cầu này hoàn tất, bà con quận 7 đi về các tỉnh miền Đông và phía Bắc sẽ không phải chạy vào trung tâm thành phố rồi vòng ra, mà chỉ cần chạy qua cầu là đến Xa lộ Hà Nội, tiết kiệm cả chục cây số.

Còn bà con quận 2 có lẽ mừng hơn. Vì khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) vốn là một khu vực khá kém về cơ sở hạ tầng giao thông. Khi tuyến cầu đường này hoàn tất, bà con có thể sang quận 7 và theo hướng Huỳnh Tấn Phát, qua cầu Khánh Hội mà vào trung tâm thành phố chỉ mất chừng 10 phút đi xe máy, nhanh hơn trước gấp mấy lần.

Mọi người còn xì xào bàn tán chuyện nhiều hộ sẽ phất lên nay mai nhờ cây cầu này vì có nhiều đất gần cầu, đường mới.
 
Hợp long cầu dây văng hiện đại nhất TPHCM - 4

Ghi lại thời khắc lịch sử của cây cầu do chính mình xây dựng

Trên các trang rao vặt cũng bắt đầu xuất hiện những dòng chào mời như “cần bán nhà phố đường Huỳnh Tấn Phát gần cầu Phú Mỹ”, “cần tiền bán gấp đất gần cầu Phú Mỹ”, “bán gấp lô nền Khu dân cư Nam Long, gần chợ trường học và cầu Phú Mỹ, thuận tiện đi lại Q1- Q4”… Có người không có nhu cầu bán đất nhưng cũng rao: “Cho thuê đất dựng biển quảng cáo gần cầu Phú Mỹ”.

Các nhà đầu cơ mua đất ở khu vực này từ trước cũng bắt đầu rục rịch bán. Như ông Phú đang có một mảnh diện tích 1.200m2 định bán với giá gần 20 triệu/m2; ông dự kiến bán nhanh cho giới đầu tư để ôm lời nhanh vài tỷ.

Anh Bắc, một nhà đầu tư ở quận 2 thì đã chuẩn bị sẵn một loạt lô đất dọc theo tuyến đường hàng lang phía đông như lô tại Dự án Bách Khoa (quận 9), lô gần Đại lộ Đông Tây… chỉ chờ tuyến đường này kết nối nhờ thông cầu Phú Mỹ là tung ra.
 

Cầu Phú Mỹ dài hơn 2km, rộng 27,5m, bắt qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7, xây dựng bằng công nghệ dây văng tiên tiến như cầu Mỹ Thuận, tổng vốn đầu tư dự án là 2.077 tỷ đồng. Công trình do nhà thầu Bilfinger Berger (Đức) làm tổng thầu, cùng với các nhà thầu khác là Baulderstone Hornibrook (Australia), Freyssinet International et Companie và Arcadis (Pháp) thi công.

 

Cây cầu này là điểm nối quan trọng để thông tuyến đường hàng lang phía Đông của thành phố, kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và khu Nam Sài Gòn (quận 7).

 

Ngoài ra, khi tuyến đường này thông, các dòng xe từ phía Bắc đi về miền Tây không phải băng qua trung tâm thành phố nữa mà có thể vào Xa lộ Hà Nội, qua cầu Phú Mỹ, theo đường Nguyễn Văn Linh ra quốc lộ 1A tại khu vực Bình Chánh rồi về miền Tây. Đoạn đường được rút ngắn rất nhiều, lại góp phần giảm tải cho khu trung tâm TPHCM.

 

Dự kiến, ngày 2/9/2009, cầu Phú Mỹ sẽ chính thức thông xe.

Tin, ảnh: Tùng Nguyên