Hơn nửa thế kỷ “giữ lửa” cho quan họ cổ Kinh Bắc
(Dân trí) - Muốn bảo tồn và phát huy văn hóa quan họ thì cách tốt nhất là phải làm sao để mọi người hiểu được bản chất và ý nghĩa của nó. Vợ chồng tôi đã mở lớp dạy học, giúp cho những người quan tâm quan họ hiểu được cách hát, cách “chơi”, luật hát,...”
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Quyển trong những ngày hội Lim đang náo nức. Ông Quyển năm nay đã 78 tuổi, ở thôn Kim Đôi, xã Kim Chân, Bắc Ninh, ông là một trong những bậc bô lão có tiếng ở xứ Kinh Bắc có nhiều chia sẻ về cách giữ gìn quan họ Bắc Ninh - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Quyển cho biết mình vốn là người quê gốc ở Yên Mẫn - một làng quan họ cổ có truyền thống và nức tiếng từ lâu đời. Từ nhỏ, ông đã được theo các cụ đi xem hát ngoài chùa, ở các lễ hội nên vì thế mà quan họ gắn bó với ông lâu nay.
Được tiếp xúc, sống trong môi trường quan họ từ rất sớm nên ông đã yêu thích, say mê và nhận ra những ý nghĩa tốt đẹp của nó. Cũng vì lẽ đó mà ước muốn sưu tầm, bảo tồn văn hóa quan họ cổ sớm nảy sinh trong ông. Ông quan niệm rằng di sản của cha ông để lại là vô giá, vì không muốn nó bị tận diệt và muốn con cháu đời sau được thưởng thức nên việc phục dựng là rất cần thiết.
Vợ chồng ông Quyển đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn mải mê với các làn điệu quan họ của quê hương
Từ năm 1960, ông Quyển đã rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ đi hết 45/49 làng quan họ của Bắc Ninh để thực hiện ước mơ. Ông Quyển đã tới từng làng, gặp từng người am hiểu về quan họ để xin bản thảo các bài hát, học hỏi kinh nghiệm trong cách “chơi” và hát. Quá trình sưu tầm gặp không ít khó khăn do điều kiện kinnh tế và sức khỏe hạn chế, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục ước mơ của mình cho tới ngày hôm nay.
Nguồn động lực lớn và cũng là người bạn đồng hành của ông trên con đường bảo tồn quan họ chính là người vợ Nguyễn Thị Thơm (55 tuổi). Nói chuyện với chúng tôi, bà Thơm chia sẻ: “Tôi đến với ông ấy cũng nhờ quan họ, bản thân lại là người yêu thích ca hát. Vì thế, sau khi cưới nhau, 2 vợ chồng chúng tôi mấy chục năm trời đã cùng nhau sưu tầm và tổng hợp được rất nhiều các bài hát. Vất vả, không ai biết đến và cũng không được trả công, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm”.
Chừng nào còn sống thì còn “truyền lửa”văn hóa quan họ
Sau 54 năm bền bỉ tìm kiếm và phục dựng, hiện nay ông bà đã sưu tầm được hơn 1.000 bài hát quan họ cổ, trong đó đã hoàn thiện được 400 bài hát đối dân ca dưới dạng kí âm. Tất cả đều được in thành sách, giữ gìn cẩn thận để dạy và truyền lại cho con cháu sau này.
Theo ông Quyển: “Muốn bảo tồn và phát huy văn hóa quan họ thì cách tốt nhất là phải làm sao để mọi người hiểu được bản chất và ý nghĩa của nó. Vợ chồng tôi đã mở lớp dạy học nhằm giúp cho những người quan tâm quan họ hiểu được phong cách hát, cách “chơi”, luật hát,...”.
Hiện nay, ông bà đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Quan họ Kim Đôi và mở lớp dạy học miễn phí cho những người yêu thích quan họ. Ông phụ trách dạy những người cao tuổi còn bà được phân công chăm lo cho CLB Quan họ măng non thôn Kim Đôi - bao gồm các em nhỏ có năng khiếu hát quan họ. CLB có gần 30 thành viên, sinh hoạt vào chiều chủ nhật hàng tuần. Được biết, đây là CLB Quan họ dành cho trẻ em đầu tiên tại Bắc Ninh.
Bằng nhiệt huyết của vợ chồng ông cùng sự ủng hộ của bà con, lớp học đã thu hút đông đảo mọi người tham gia. Ông Quyển phấn khởi: “Lớp học là niềm hi vọng của vợ chồng tôi, nhìn các cháu hát quan họ mà thích lắm. Các cháu còn nhỏ mà đã yêu thích quan họ nên đây là cơ hội lớn để phục dựng và bảo tồn di sản của cha ông để lại”.
Đặc biệt, ông bà còn tự bỏ tiền ra in và phát tài liệu cho các em nhỏ. Mỗi khi được chính quyền hỗ trợ đôi chút về vật chất, ông bà lại dùng toàn bộ số tiền đó để tặng thưởng cho các em có thành tích học tập cao.
Ông Quyển trăn trở: “Khó khăn nhất trong việc bảo tồn quan họ chính là việc thế hệ trẻ ngày nay không còn nhiều người quan tâm tới nó, họ bị thu hút bởi các loại nhạc hiện đại. Bên cạnh đó, tuổi cao sức yếu cũng là một cản trở lớn đối với tôi”.
Khi được hỏi về điều mong muốn nhất hiện nay, ông Quyển mỉm cười: “Tôi chỉ muốn có sức khỏe, ước mơ có một chiếc xe đạp điện để làm phương tiện đi nốt 4 làng quan họ còn lại. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hơn tới vấn đề bảo tồn văn hóa quan họ. Chừng nào còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này”.
Ông Vũ Đình Sơn - Trưởng thôn Kim Đôi: “Nếu không có vợ chồng ông ấy, chắc có lẽ quan họ của Kim Đôi không có được ngày hôm nay. Chúng tôi rất ghi nhận những tâm huyết và đóng góp to lớn ấy của họ”. |
Tuyến Phan