1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài:

“Hôn nhân có “hơi tiền” chính là hôn nhân mua bán”

(Dân trí) - “Không có sự hiểu biết trước dẫn đến không hòa hợp trong quá trình chung sống; thậm chí nhiều phụ nữ bị ngược đãi, đánh đập, buôn bán. Nhiều ông bố, bà mẹ Việt Nam sống trong hối hận, đau xót vì gả con gái cho người nước ngoài chỉ vì mục đích kinh tế”.

Đó là chia sẻ đau xót của bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - trong Hội nghị toàn quốc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được ” Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Bộ Tư pháp tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 22/4.

 

Kết hôn chủ yếu vì mục đích kinh tế

 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đánh giá, việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài mang tính chất phong trào và chủ yếu kết hôn với Đài Loan và Hàn Quốc; việc kết hôn không dựa trên nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ mà chủ yếu là vì mục đích kinh tế; quá trình đi đến hôn nhân thường rất nhanh chóng, vội vàng, đơn giản, hầu hết thông qua môi giới sắp xếp. Vì vậy, không ít các cô gái Việt lấy chồng Đài Loan già yếu, tàn tật, hạn chế năng lực hành vi dân sự.

 

Ông Tụng nhấn mạnh: “Hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn nhằm mục đích trục lợi, bất hợp pháp diễn ra dưới hình thức chọn vợ tập thể, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam”.

 

Theo Bộ  trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, số lượng phụ nữ Việt kết hôn với nam giới Hàn Quốc có chiều hướng tăng dần trong các năm qua. Việc đăng ký kết hôn có sự chứng kiến của các cơ quan thẩm quyền phần lớn đều đạt được mục đích hôn nhân. Cô dâu Việt hài lòng và có cuộc sống khá hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp kết hôn qua môi giới bất hợp pháp khiến phụ nữ Việt lâm vào hoàn cảnh khó khăn, khiến nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ.

 

“Do không có sự hiểu biết trước dẫn đến sự không hòa hợp trong quá trình chung sống, thậm chí có nhiều người phụ nữ bị ngược đãi, đánh đập, bị buôn bán với mục đích ngoại dâm. Nhiều ông bố, bà mẹ Việt Nam sống trong hối hận, đau xót vì gả con gái cho người nước ngoài chỉ với mục đích kinh tế” - bà Ngân nhấn mạnh.

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, cho biết thực tế nhiều chị em phụ nữ lấy chồng nước ngoài nhằm thực hiện ước mơ của cha mẹ và xem nó như “mốt thời đại”. Lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống phóng khoáng, có tiền mang về cho cha mẹ cất nhà, tậu xe mới. Tâm lý của chị em phụ nữ nông thôn trong việc kết hôn là do duyên số nên cứ phó mặc cho số phận. Không ít cô gái bị vỡ mộng vì lấy phải chồng nghèo khó hoặc bị môi giới lừa đảo, bị bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục… thậm chí dẫn đến cái chết thương tâm ở đất khách quê người.

 

“Hôn nhân có “hơi tiền” chính là hôn nhân mua bán”  - 1

Gia đình Thạch Thị Hoàng Ngọc ở Cần Thơ làm lễ tang cho cô khi cô bị chính người chồng Hàn Quốc sát hại vào tháng 7/2010.

 

Còn bà Lâm Hoàng Phượng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng - thẳng thắn cho rằng hôn nhân có yếu tố nước ngoài nếu xuất phát từ tự nguyện hiểu biết thì là hôn nhân tình yêu, còn hôn nhân có “hơi tiền” thì là hôn nhân mua bán. 

 

Bà Phượng chia sẻ thêm, ở Sóc Trăng có những trường hợp không đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn quyết định đi làm lại giấy tờ cước tuổi lên; có nhà đông con nhưng nghèo nên quyết định hy sinh 1 đứa con gái để “lo” cho cả nhà nhưng sau đó thấy “ngon ăn” nên “hy sinh” luôn đứa thứ 2, thứ 3… 

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho rằng: cần đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, từng bước xóa bỏ ý thích lấy chồng nước ngoài vì mục đích không đúng đắn của một bộ phận gia đình; tăng cường tuyên truyền, phố biến luật hôn nhân gia đình nói chung và có yếu tố nước ngoài nói riêng tới tận người dân, đến từng xóm ấp, làng xã, nơi có nhiều người phụ nữ lấy chồng nước ngoài để họ nhận thức được rằng lấy chồng nước ngoài không phải là giấc mộng làm giàu nếu không có hướng đi đúng đắn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, hiện nay thêm một phong trào nữa là “kết hôn không giấy tờ”. Đây là trường hợp của những chị em phụ nữ ở phía Bắc thuộc diện quá lứa, không lấy được chồng tại Việt Nam hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn… nên nhiều người sang Trung Quốc sống chung như vợ chồng với đàn ông Trung Quốc, không có đăng ký kết hôn đã làm cho tình hình trật tự ở khu vực này ngày càng phức tạp hơn hơn.

 

Ông Hòa nhìn nhận, nguyên nhân vẫn còn những hệ  lụy trên là do nhận thức của một bộ phận phụ nữ và gia đình còn hạn chế, chưa hiểu rõ bản chất của vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Tâm lý lây lan, đua đòi học tập lẫn nhau, nhìn thấy một vài trường hợp gia đình khá giả nhờ hôn nhân nước ngoài mà lầm tưởng cố tình chạy theo lấy “chồng ngoại” cho bằng được. 

 

Còn bà Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng thì cho rằng, sự ảnh hưởng của phim ảnh Hàn Quốc với các ngôi sao nổi tiếng khiến giới trẻ Việt thần tượng và nhiều bạn trẻ có ý định tìm cách sang Hàn Quốc cho bằng được và con đường dễ dàng qua Hàn Quốc nhất chính là kết hôn.

 

Trên 70% cô dâu Việt tại Hàn Quốc có cuộc sống tạm ổn

 

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết, qua báo cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện nay số lượng cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc là khoảng 40.000 người. Phần lớn phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc ở độ tuổi trung bình 18-25, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thường chỉ học hết cấp I, cấp II rồi ở nhà làm ruộng phụ giúp bố mẹ. Khoảng hơn 80% cô dâu Việt lấy chồng Hàn thông qua công ty môi giới của Hàn Quốc. Chị em phụ nữ Việt thường được môi giới với những người Hàn Quốc sống ở nông thôn, độ tuổi từ 30-35 (một số trường hợp 60-70 tuổi) và đa số có mức thu nhập trung bình hoặc thấp. 

 

Ông Trần Trọng Toàn - Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc - đánh giá, xu hướng đàn ông Hàn lấy vợ Việt trẻ ngày càng tăng. Một bộ phận khá lớn nam giới Hàn Quốc kết hôn với người Việt thường là bản thân có khiếm khuyết sức khỏe hoặc khuyết tật, đã ly hôn; sống ở nông thôn, làm lao động nông nghiệp; có bố mẹ già yếu, bệnh tật. “Những người như vậy khó lấy vợ trong nước nên phải lấy vợ nước ngoài, chủ yếu ở khu vực châu Á”- ông Toàn nói.
 
“Hôn nhân có “hơi tiền” chính là hôn nhân mua bán”  - 2
Ông Han Sun Kyo- Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc (trái) - sang Việt Nam chia sẻ nỗi mất mát với gia đình của cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc.

 

Theo ông Toàn, sở dĩ mối kết hôn Việt - Hàn ngày càng nhiều là do văn hóa giữa 2 nước khá tương đồng; phụ nữ Việt Nam lại cần cù, chịu khó, biết chăm sóc gia đình chồng nên nam Hàn Quốc luôn “ưu tiên”. Ngoài ra phụ nữ Việt cho rằng học tiếng Hàn nhanh hơn những tiếng nước ngoài khác.

 

“Qua tiếp xúc với chị em gia đình Việt - Hàn, có khoảng 73% chị em lấy chồng Hàn Quốc qua môi giới kết hôn hiện có cuộc sống gia đình có thể nói là hạnh phúc, yên ấm hay chấp nhận được cả về vật chất lẫn tinh thần” - ông Toàn cho biết. Theo đánh giá của Trung tâm Hỗ trợ gia đình đa văn hóa Hàn Quốc, tỷ lệ 73% là cao nhất so với tỷ lệ (khoảng 65%) của các gia đình Hàn Quốc có dâu là người nước khác.  

 

Ông Toàn cũng cho biết, thời gian qua cũng đã xảy ra một số trường hợp đáng tiếc về cô dâu Việt bị sát hại ở Hàn Quốc như vụ của cô dâu Thạch Thị Hoàng Ngọc. Theo ông Toàn, sau khi cô Ngọc bị sát hại, Đại sứ quán có cử người đến tìm hiểu nguyên nhân và được biết chồng cô Ngọc vốn bị bệnh tâm thần, đã 57 lần đi chữa bệnh. Sau khi cô Ngọc qua Hàn Quốc, do bất đồng về ngôn ngữ và một số mâu thuẫn khác nên ông chồng “nổi điên” lấy dao đâm cô Ngọc tử vong.

 

Tuy nhiên theo ông Toàn, không vì một vài trường hợp như thế mà phủ nhận tất cả những trường hợp khác đang có cuộc sống khá tốt ở nước này. Có nhiều chị em phụ nữ Việt vẫn được biểu dương điển hình xuất sắc và bầu giữ các chức vụ lãnh đạo quan trọng ở cơ sở. Đáng chú ý là trường hợp của chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1985, quê tỉnh Tây Ninh), lấy chồng Hàn từ năm 2003, được tín nhiệm làm Hội trưởng Hội phụ nữ thôn Samnam (tỉnh Chungcheongbuk), từng được truyền hình Hàn Quốc biểu dương.

 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Trần Trọng Toàn cũng có một số kiến nghị nhằm giảm rủi ro cho các cô dâu Việt khi lấy chồng Hàn Quốc. Theo các  ông, Nhà nước cần có hình thức thích hợp đưa hoạt động môi giới kết hôn quốc tế vào khuôn khổ luật pháp để quản lý; cần lựa chọn một số công ty có đủ điều kiện để thực hiện hoạt động mai mối kết hôn, đồng thời gắn trách nhiệm các công ty này trong suốt quá trình từ khâu giới thiệu đến hôn lễ; Bộ Tư pháp cần rà soát lại các giấy tờ kết hôn, đặc biệt là cần quy định giấy khám sức khỏe và kết quả xét nghiệm HIV là giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ xin đăng ký kết hôn; các cơ quan tư pháp tại các tỉnh, thành phải đảm bảo việc chú rể nước ngoài có mặt khi đăng ký kết hôn nhằm đảm bảo nguyên tắc tự nguyện khi kết hôn; Bộ Công an cần quản lý chặt chẽ hoạt động kết hôn của các công ty và các cá nhân vào hoạt động môi giới tại Việt Nam.

 

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm