Hỗn chiến kinh hoàng trên sông: Mâu thuẫn đã có từ lâu
(Dân trí) - Dư luận chưa hết xôn xao về vụ gần 100 người dân kéo thuyền bè ra giữa sông đánh nhau khiến 12 người thương vong. Chủ tịch xã Quảng Nham cho biết, vì lợi nhuận từ con ngao dồi dào nên tranh giành đã có từ lâu.
Trở lại khu vực hiện trường nơi xảy ra vụ hỗn chiến kinh hoàng với gần 100 người dân tham gia vào ngày 7/7, người dân vẫn đang đổ xô tới nghe ngóng vụ việc, khu vực sông vẫn hết sức xôn xao.
Vùng ven sông Yên vốn yên bình trở nên náo loạn. Những tiếng khóc than vang cả khúc sông.
Lâu nay, khu vực sông Yên này vốn là nơi mưu sinh của nhiều người dân các xã ven sông thuộc hai huyện là Tĩnh Gia và Quảng Xương, với nghề nuôi và khai thác ngao. Vụ hỗn chiến ngày 7/7 cũng từ việc tranh chấp trong nuôi và khai thác ngao ở khu vực bãi giữa sông Yên.
Chúng tôi tìm về thôn Điền, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, gặp bà Nguyễn Thị Dung, mẹ của nạn nhân Đinh Văn Hà; bà Dung cho biết: “Trong thôn chúng tôi có 3 người bị thương nặng và 4 người bị thương nhẹ. Con tôi đang nằm điều trị tại bệnh viện. Hôm qua khi vừa ăn cơm xong thì thấy có một số thuyền ở bên kia kéo sang họ dùng vật nhọn đâm khiến một số người bị thương”.
Còn anh Lê Văn Mạnh (33 tuổi) trú tại thôn Điền là một trong những người đi trên bè cào ngao của xã Quảng Nham cho biết: “Lúc đó chúng tôi đang cào ngao ngoài sông thì có thuyền, bè bên kia kéo sang lùa thì chúng tôi bỏ chạy. Do bè chúng tôi nhỏ không chạy được nên họ dùng gạch đá và vật nhọn đâm một số người rơi xuống sông. Trên bè tôi còn có anh Tuyển và anh Hà bị thương. Lúc đó tôi cũng nhảy xuống sông thoát thân. Một lúc sau bè của những người trong thôn quay lại cứu. Việc 3 người phía bên kia mất tích là do thuyền của họ đâm vào bè của họ”.
Cũng theo anh Mạnh thì vụ việc diễn ra trong khoảng 30 phút. Khu vực sông xảy ra vụ việc là ngao tự nhiên hóa. “Người ta cấm không cho bọn tôi đi làm. Khi đi làm thì họ ra ngăn cấm và đánh. Một số lần trước khi người dân Quảng Nham ra cào ngao thì họ có gây gổ. Ở đây chúng tôi làm nghề cào ngao từ bao năm nay”, anh Mạnh cho biết thêm.
Ngồi bên cạnh ôm đứa con nhỏ, chị Vũ Thị Dậu (27 tuổi) có chồng là anh Nguyễn Văn Tuyển cũng bị thương sau vụ việc trên ngân ngấn nước mắt, tâm sự: “Anh nhà tôi bị thương vào đầu. Ở đây nghèo lắm, con còn nhỏ, ngày trước chúng tôi đi Trung Quốc làm ăn, chính quyền kêu gọi về nước. Khi về quê làm ăn thì bị người ta cấm, dân thì không có tiền để đi những nước khác. Chúng tôi đã làm đơn lên xã, lên huyện nhiều rồi nhưng không được. Làm ăn mà còn bị đánh đập như thế này thì làm sao được. Tôi con nhỏ nên chỉ có mình chồng đi làm mỗi ngày được khoảng 500 nghìn đổ lại. Nhưng tháng chỉ làm được dăm bảy ngày vì nước triều lên, có những tháng không làm được ngày nào vì mưa gió. Hiện chồng tôi nằm ở viện nào cũng không biết nữa, chúng tôi sợ lắm, chỉ nghe gọi điện về nói ở nhà yên tâm”.
Ngao vốn là một nguồn lợi thủy sản có giá trị cao. Nơi đây cũng là khu vực mưu sinh của hàng trăm hộ dân. Thế nhưng, theo người dân nơi đây phản ánh, thời gian qua, có hiện tượng tranh chấp việc khai thác ngao tại khu vực này. Cũng từ việc tranh chấp bãi ngao đã khiến nhiều người dân phải đi làm ăn xa. Và theo người dân, khi họ bị o ép dẫn đến mâu thuẫn là điều đương nhiên.
Vụ việc xảy ra khiến chính quyền địa phương bất ngờ. Theo ông Đoàn Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham: “Vụ việc xảy ra như thế nào phải đợi cơ quan công an điều tra mới biết được. Hơn chục năm nay, con ngao ở sông Yên rất dồi dào, đặc biệt là từ năm 2010. Sự tranh giành đã có từ lâu”.
“Vài tháng trước, chính những hộ nuôi ngao của địa phương có tranh chấp và kéo lên huyện. Vừa rồi, chúng tôi có phối hợp với công ty quản lý đường sông giải phóng những trường hợp lấn chiếm trả lại mặt bằng để người dân đi cào. Có thể họ cào hết ngao thì lại lấn sang phía Tĩnh Gia. Nếu đụng phải họ, họ bảo vệ cũng là một vấn đề. Hôm qua bùng cái nghe thông tin có đánh nhau, chúng tôi cử người ra đưa một số người bị thương đi cấp cứu. Trước đây, phía Quảng Nham có tranh chấp nhưng đã giải quyết xong. Chúng tôi đã ký hợp đồng cho gần 50 ha đất nuôi ngao với 26 hộ dân tham gia”, ông Sâm cho biết thêm.
Ngay trong sáng ngày 8/7, Phó giám đốc, thủ trường cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa, Đại tá Nguyễn Văn Bính đã trực tiếp xuống hiện tường và các địa phương liên quan chỉ đạo công tác điều tra, làm rõ vụ việc.
Trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc, dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của các ngành chức năng và địa phương trong công tác quản lý khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc nêu trên.
Duy Tuyên