Hơn 99,5% đơn kiến nghị, phản ánh đã được Bộ LĐ-TB&XH xử lý
(Dân trí) - Trong 5 năm qua, Bộ đã xử lý hơn 99,5% đơn kiến nghị, phản ánh. Hơn 14.300 lượt công dân tới phản ánh, kiến nghị đã được lãnh đạo Bộ, các đơn vị chuyên môn của Bộ tiếp và giải quyết.
Đây là kết quả thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ LĐ-TB&XH giai đoạn từ tháng 7/2016-7/2021, được ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH báo cáo tại cuộc làm việc với Tổ công tác trong Đoàn giám sát của Quốc hội thu thập thông tin về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chiều 4/4 tại Hà Nội.
Hơn 99,5% đơn thư, kiến nghị được xử lý
Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, giai đoạn từ tháng 7/2016-7/2021, Bộ đã tiếp 14.314 lượt công dân, trong đó tiếp thường xuyên 12.552 lượt, tiếp định kỳ của Bộ trưởng 1.762 lượt.
Về công tác tiếp công dân, Thanh tra Bộ cho biết, phòng Tiếp dân, thanh tra hành chính và xử lý sau thanh tra được giao nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn có 5 công chức.
Đối với công tác tiếp công dân định kỳ, Bộ trưởng tiếp công dân định kỳ vào ngày 20 hàng tháng. Nếu ngày 20 của tháng trùng vào ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày lễ thì việc tiếp công dân được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.
Trong thời gian qua, Bộ đã tiếp nhận 4.761 đơn khiếu nại; 2.954 đơn tố cáo và 22.352 đơn kiến nghị, phản ánh. Theo Thanh tra Bộ, 100% đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền đã được hướng dẫn đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng đã được giải quyết đảm bảo thời hạn theo quy định; quyết định giải quyết khiếu nại được chấp hành, không có tình trạng khiếu nại kéo dài.
Đồng thời, 100% đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền đã được Bộ chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, qua kiểm tra cho thấy không phát sinh trường hợp tố cáo phải áp dụng các biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm; 1 trường hợp được áp dụng biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo theo quy định tại Điều 58 Luật Tố cáo năm 2018.
Trong kỳ báo cáo, tổng số đơn kiến nghị, phản ánh đã xử lý 99,54% đơn phải xử lý; 100% đơn, vụ việc do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyển đến đã được xử lý theo quy định.
Trong kế hoạch rà soát, kết quả giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp và kéo dài, Bộ đã chủ động rà soát tất cả các vụ việc bức xúc, nổi cộm, các kiến nghị, khiếu nại kéo dài qua nhiều kỳ tiếp công dân tại Bộ và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, tham mưu giải quyết.
Đối với các trường hợp đã được giải quyết đúng quy định, Bộ tiến hành giải thích, thuyết phục công dân chấp hành. Tại thời điểm báo cáo, chỉ còn 1 vụ tố cáo đang chờ địa phương xử lý, sau khi có kết quả Bộ sẽ xem xét, trả lời công dân lần cuối.
Công tác tiếp dân có hiệu quả
Thay mặt tổ công tác Tổ công tác, ông Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đánh giá công tác chuẩn bị của Bộ về các kế hoạch và nội dung đầy đủ.
Ông Lâm Văn Đoan cho biết: "Công tác tiếp công dân và xử lý khiếu nại tố cáo đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt công tác tiếp công dân của lãnh đạo Bộ có chất lượng và hiệu quả. Điều này thể hiện ở quá trình xử lý khiếu nại tố cáo, kiến nghị của người dân về việc thực hiện chế độ chính sách của ngành, đặc biệt là lĩnh vực người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội…".
Về công tác chuẩn bị số liệu, ông Lâm Văn Đoan đánh giá Bộ đã làm đầy đủ và rõ ràng. So sánh trong tổng thể chung, các số liệu thống kê khá đầy đủ. Các vụ xử lý khiếu nại, tố cáo kéo dài có nhiều kết quả tích cực.
Trong công tác giải quyết những tồn đọng thuộc lĩnh vực người có công, ông Lâm Văn Đoan đánh giá cao trách nhiệm của Bộ nói chung và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói riêng trong 2 nhiệm kỳ vừa qua và nhiệm kỳ hiện nay.
Ông Lâm Văn Đoan đề nghị, Bộ cần rà soát các trường hợp về người có công còn tồn đọng, nếu trường hợp nào có thể giải quyết theo chính sách mới thì có thể đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới, trên cơ sở người thật việc thật.
Về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại diện Tổ công tác cũng lưu ý Bộ cần bổ sung hệ thống số liệu, bảng biểu báo cáo cho cụ thể hơn.
Đối với các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19, như: Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116 và Quyết định 128 còn một số tồn đọng trong triển khai, ông Lâm Văn Đoan đề xuất thêm Bộ LĐ-TB&XH cần trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để giải quyết kịp thời.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan nhận định: "Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết, đặc biệt là trong lĩnh vực người có công với cách mạng. Những năm gần đây, các chính sách an sinh xã hội đã dần được điều chỉnh và hoàn thiện".
Tiêu biểu là lĩnh vực người có công với cách mạng, Chính phủ đã bổ sung và cập nhật nhiều quy định phù hợp.
Trong năm 2021, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu, trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và các biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Đây là những văn bản quan trọng, kịp thời thể chế chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã đánh giá cao những góp ý thẳng thắn và có tính xây dựng của Tổ công tác, qua đó giúp Bộ trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Thay mặt Bộ, Thứ trưởng giao cho các đơn vị trong Bộ tiếp thu để từ đó thực hiện tốt hơn nữa trong công tác tiếp công dân về lĩnh vực người có công thời gian tới.