1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hơn 7.200 trẻ chết oan mỗi năm

(Dân trí) - Báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có đến 7.253 trẻ em và vị thành niên chết oan do tai nạn thương tích, trong đó tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em.

Chi hội Luật sư Việt Nam bảo vệ quyền trẻ em thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được thành lập đến nay mới trên 6 tháng. Chi hội đã có hàng vài chục luật sư thuộc các Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Nam Định tự nguyện tham gia. Hưởng ứng tháng “Vì trẻ em” vừa qua, Chi hội phối hợp với Trung tâm nghiên cứu chính sách pháp luật về giới tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Vì cuộc sống không có bạo lực đối với trẻ em Việt Nam”. Dự tọa đàm có đông đảo các luật sư các nhà khoa học pháp lý, như bà Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, luật sư Nguyễn Chiến - chủ nhiệm, luật sư Lê Đức Bính - Bí thư Đảng ủy Đoàn luật sư Hà Nội.
 
Các luật sư sôi nổi góp ý kiến tại buổi tọa đàm

Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phát biểu tại hội nghị

 

Phóng viên Dân trí dự cuộc tọa đàm cho biết, trong bài dẫn luật sư, nhà báo Ngô Tất Hữu, Phó chi hội trưởng Chi hội Luật sư Việt Nam bảo vệ quyền trẻ em nêu bật thực trạng về môi trường sống và các rủi ro của trẻ em Việt Nam hiện nay. Với dân số vàng (90 triệu dân) đứng thứ 3 trong khu vực, thứ 13 trên thế giới, nước ta hiện có vài chục triệu trẻ em cần được cả xã hội quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ. Thời gian qua công tác chăm sóc giáo dục bảo vệ trẻ em (CSGDBVTE ) đã có một số tiến bộ  trên tất cả các lĩnh vực như ban hành các văn bản pháp luật, văn bản pháp quy; phân công trách  nhiệm cho từng bộ ngành và địa phương; tuyên truyền hướng dẫn giáo dục pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các vụ bạo hành trẻ em. Song nhìn chung công tác CSGDBVTE còn tồn tại nhiều bất cập.

 

Đặc biệt phát sinh một số vấn đề mới:

 

Chưa có môi trường sống thật sự thân thiện an toàn cho trẻ em, đặc biệt là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng tại Hội nghị phòng chống tai nạn trẻ em cuối năm 2013, bình quân mỗi năm ở nước ta có đến 7.253 trẻ em bị chết oan do tai nạn thương tích; tai nạn giao thông hàng năm cướp đi gần 2.000 trẻ em; nhiều trẻ bị bắt cóc làm con tin, tống tiền hoặc bán cho người nước ngoài…

 

Bạo lực với trẻ em ngày càng phát triển đa dạng với nhiều hành vi tàn bạo thâm độc. Điển hình như vụ cháu Nguyễn Quang Anh (10 tuổi) bị mẹ kế đánh đập dã man; vụ Đinh Văn Trường (Đồng Nai) giết chết con đẻ chưa đầy 1 tháng tuổi chỉ vì vợ không cho “gần gũi”; vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ đạp chết cháu Đinh Ngọc Long (18 tháng tuổi)…

 

Ngày càng nhiều trẻ trong độ tuổi đi học phải bỏ học do điều kiện kinh tế khó khăn.

 

Hiện tượng trẻ em khi gặp rủi ro, khó khăn tự tìm đến cái chết, thậm chí rủ nhau tự tử tập thể đang là nỗi trăn trở trong xã hội. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ TB&XH thì năm 2005 có khoảng trên 400 trường hợp trẻ em chưa thành niên tự tử; từ năm 2010 đến nay bình quân hàng năm có tới 600 em tự tử.
 
Bà Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - phát biểu tại hội nghị
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, ủy viên chi hội Luật sư Bảo vệ Quyền trẻ em phát biểu tại hội nghị 

 

Tác giả bài nói cũng đã phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan của các hiện  tượng trên  như mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế chưa được dự báo và ngăn chặn làm cho luân thường đạo lý tình người xuống cấp; các văn bản pháp luật vừa thiếu vừa không đồng bộ ít có khả năng thực thi; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa phù hợp và thường  xuyên; việc phân công trách nhiệm cho nhiều  bộ, ngành cơ quan tham gia công rác CSGDBVTE dẫn đến “cha chung không ai khóc”; công tác phát hiện và xử lý tội phạm bạo hành trẻ em chưa nghiêm minh và kịp thời. Ngoài ra còn do tập tục lạc hậu cũ chưa bị xóa bỏ như quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, “yêu cho roi vọt, ghét cho ngọt bùi”…

 

Luật sư Trương Anh Tú và luật sư Mai Thị Thảo giới thiệu, trao đổi về khung pháp lý chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em hiện nay. Hai luật sư đề cập các  mặt tích cực cũng như hạn chế của các văn bản pháp luật trên lĩnh vực này cũng như sự phân công cộng đồng trách nhiệm cho nhiều bộ ngành; đồng thời đưa ra những khúc mắc những bài học kinh nghiệm của luật sư trong quá trình tham gia các vụ án về bạo lực gia đình. Các luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Chủ tịch Hội đồng khen thưởng và kỷ luật Đoàn luật sư Hà Nội; luật sư Trần Văn Chương (Đoàn luật sư tỉnh Nam Định) đưa ra một số vụ án hình sự liên quan đến bạo lực trẻ em ở địa phương.

 

Kết luận cuộc trao đổi, bà Trần Thị Thanh Thanh nêu bật chức năng nhiệm vụ quan trọng của Hội là một tổ chức xã hội chuyên nghiệp bảo vệ trẻ em, đồng thời hoan nghênh sự ra đời của chi hội. Bà Thanh cho rằng công tác CSGDBVTE hiện có nhiều việc cần làm ngay. Hiện rất nhiều vụ bạo hành trẻ em đang bị “chìm xuồng” không rõ lý do, Hội rất cần sự cộng tác của nhân dân đặc biệt của Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền Trẻ em và các luật gia để sứ mệnh bảo vệ quyền trẻ em được thực hiện ngày một tốt hơn.

 

Công Tâm