1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hơn 5.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Vinh

Hoàng Lam

(Dân trí) - Dự kiến cần khoảng 5.084 tỷ đồng để giải phóng 115ha mặt bằng xây dựng khu hàng không dân dụng giữa 2 đường cất, hạ cánh thuộc Cảng Hàng không quốc tế Vinh.

Cảng hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An) là cảng hàng không cấp 4E theo quy định của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, công suất thiết kế dự kiến đến năm 2030 là 7 triệu hành khách/năm.

Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Vinh đang khai thác 9 đường bay, 6 hãng hàng không với tần suất bình quân 26-28 chuyến bay/ngày (tương ứng với 52- 56 lượt cất hạ cánh/ngày). Đường cất hạ cánh hiện hữu của Cảng hàng không quốc tế Vinh dài 2.400m, chỉ đáp ứng cho các loại máy bay A320/A321 hoặc tương đương, không tiếp nhận được các loại máy bay thân lớn như A350, B777, B787...

Hơn 5.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Vinh - 1

Dự kiến đến năm 2030, công suất của Cảng hàng không quốc tế Vinh là 8 triệu lượt khách/năm.

Năng lực phục vụ chuyến bay/giờ thấp (1 giờ phục vụ được 4 chuyến bay, tối đa là 5 chuyến bay); chất lượng mặt đường cất hạ cánh đã xuống cấp, thường xuyên phải duy tu sửa chữa; chưa có hệ thống đường lăn song song, ảnh hưởng đến thời gian cất hạ cánh các chuyến bay.

Lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không quốc tế Vinh năm 2022 đạt 2,6 triệu lượt, đã quá tải so với công suất hiện nay. Do đó, việc nâng cấp, cải tạo đang là yêu cầu đặt ra, đặc biệt là xây dựng đường cất, hạ cánh thứ hai có chiều dài 3.000m, đảm bảo có thể tiếp nhận được các loại máy bay thân lớn code E như A350, B777, B787, cũng như xây dựng khu hàng không dân dụng mới.

Theo Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, công suất Cảng hàng không quốc tế Vinh dự kiến đến năm 2030 khoảng 8 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 14 triệu hành khách/năm.

Hơn 5.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Vinh - 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe lãnh đạo tỉnh Nghệ An báo cáo về phương án đầu tư mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh trong chuyến làm việc ngày 24/7/2022 tại Nghệ An (Ảnh: T.Duy).

Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ về lập điều chỉnh quy hoạch, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn phương án xây dựng khu hàng không dân dụng giữa 2 đường cất, hạ cánh của Cảng Hàng không quốc tế Vinh.

Theo đó, diện tích đất dự kiến cần giải phóng mặt bằng để xây dựng khu hàng không dân dụng giữa 2 đường cất, hạ cánh khoảng 115ha, cụ thể xã Nghi Ân (TP Vinh) 68,1ha, xã Nghi Trường (huyện Nghi Lộc) 43,6ha và xã Nghi Trung (huyện Nghi Lộc) 3ha. Dự án không ảnh hưởng đến diện tích đất của quân đội.

Có khoảng 850 hộ dân thuộc các địa phương nói trên bị ảnh hưởng do bị thu hồi đất. Chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 5.084 tỷ đồng.

Hơn 5.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Vinh - 3

Hiện Cảng hàng không quốc tế Vinh đã quá tải...

Trước đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã thông qua nghị quyết điều tiết 100% cho ngân sách tỉnh tiền sử dụng đất từ 4 dự án khu đô thị trên địa bàn TP Vinh với số tiền gần 4.000 tỷ đồng để tạo nguồn vốn hỗ trợ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không Quốc tế Vinh và đầu tư cầu dẫn nối Quốc lộ 7C với cảng nước sâu Cửa Lò. 2 dự án này được xác định sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

Thông báo Kết luận số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Vinh, gửi Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc làm việc chiều ngày 8/2, trên cơ sở trình bày, phân tích của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thảo luận và thống nhất lựa chọn mô hình đầu tư, quản lý và khai thác trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý cảng hàng không hiện hữu.

Đồng thời, kêu gọi nguồn lực đầu tư khu hàng không dân dụng mới gồm: Nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, hangar (khu bảo trì tàu bay) và công trình khu bay bao gồm đường cất, hạ cánh số 2, đường lăn, sân đỗ... theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để hình thành thêm nhà đầu tư quản lý, khai thác khu hàng không dân dụng mới.