1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hơn 5.000 người nhập viện vì ẩu đả: “Không thể chấp nhận được!”

(Dân trí) - Nói về việc hơn 5.000 trường hợp phải nhập viện vì ẩu đả trong 8 ngày Tết, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng, một trong những nguyên nhân là do chữ “Nhẫn” không được coi trọng.

Một trường hợp cấp cứu được đưa đến BV Bạch Mai chiều mùng 7 Tết. Ảnh: H.Hải
Một trường hợp cấp cứu được đưa đến BV Bạch Mai chiều mùng 7 Tết. Ảnh: H.Hải

"Điều không bình thường trong xã hội"

Trong 8 ngày nghỉ Tết (từ ngày 29 đến hết ngày mùng 7 Tết), các bệnh viện trên cả nước đã thực hiện khám, cấp cứu cho 5.121 trường hợp có chấn thương vì đánh nhau.

Liên quan đến con số “biết nói” đáng buồn trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội. Ông Tiến cho rằng, đó là điều "không bình thường".

Theo ông Tiến, dịp nghỉ Tết lẽ ra phải là khoảng thời gian để người dân sum vầy, vui vẻ bên gia đình, người thân, niềm vui sẽ được nhân lên, thế nhưng “với con số hơn 5.000 trường hợp đánh nhau phải nhập viện, dù có đưa ra bất cứ lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được, đó là điều không bình thường trong xã hội” – ông Tiến nêu quan điểm.

Ông Tiến cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ đánh nhau, ẩu đả trong dịp Tết, nhưng trong đó có việc sử dụng rượu, bia dẫn đến nhiều người bị kích thích, không làm chủ được bản thân dẫn đến hành vi bạo lực gia tăng. Tuy nhiên, rượu, bia không phải nguyên nhân chính, mà cái gốc của vấn nạn bạo lực là do cách ứng xử văn hóa, đặc biệt là trong bộ phận không nhỏ ở giới trẻ đang có vấn đề. Khi xảy ra mâu thuẫn, lẽ ra mọi người phải trao đổi, tranh luận, phân tích cho nhau thì họ sẵn sàng dùng vũ lực lao vào đánh nhau thay cho lời giải thích, đó là việc rất đáng trách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội còn cho rằng, thực tế hiện nay có nhiều người quá dễ nổi nóng, không kiểm soát được hành vi của mình, mà xuất phát của việc đó chính là do giáo dục, đặc biệt giáo dục về đạo đức đang bị coi nhẹ trong cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội.

“Thời gian qua, trong nhà trường còn nhiều thầy cô “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với học sinh, như vậy thì làm sao giáo dục được cho lớp trẻ về ứng xử có văn hóa. Ngày nay, đời sống vật chất, kinh tế của người dân khá hơn, nhưng giáo dục về đạo đức còn bị coi nhẹ, chữ Nhẫn ngày xưa các cụ dạy chúng ta nay đã không được coi trọng. Đây là điều đáng buồn và đáng để chúng ta phải suy ngẫm” - ông Tiến chia sẻ.

Sống chuẩn mực là liều thuốc “đề kháng” lại hành vi bạo lực

Đại tá, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn – hiện đang công tác Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) đưa ra quan điểm: Để hạn chế và đẩy lùi các hiện tượng đánh nhau, ẩu đả như phản ánh ở trên, trong một cộng đồng dù nhỏ nhưng ai cũng sống rất chuẩn mực, mọi người biết kiềm chế lẫn nhau thì sẽ không ai có cơ hội để đánh nhau. Văn hóa ứng xử, hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm công dân tốt, cộng với sự ảnh hưởng và gương mẫu của cộng đồng giống như liều thuốc “đề kháng” với các hành vi bạo lực.

“Tôi lấy ví dụ, tôi có biết 1 người làm nghề lái xe tính khí rất nóng nảy, hay chửi bậy, nhưng người này lại sống trong một môi trường mà nhiều người đối xử với nhau rất hiền hòa nên người này cũng tự điều chỉnh và bỏ dần được thói quen xấu đó đi” – Đại tá Thìn chia sẻ.

Cũng theo Đại tá Thìn, nguyên nhân chính dẫn đến các hiện tượng đánh nhau, ẩu đả như đã nói ở trên là do nền tảng mâu thuẫn không được hóa giải, bị tích tụ dồn nén lâu ngày; trong khi đó, nền tảng văn hóa cộng đồng lại không đủ sức mạnh để trấn áp những người có hành vi lệch chuẩn so với xung quanh, tạo điều kiện cho những người có cá tính xấu dễ có điều kiện bộc lộ. Còn trong những trường hợp đánh nhau do rượu, bia thì rượu, bia vẫn chỉ là điều kiện chứ không phải nguyên nhân.

Nguyễn Dương