1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hơn 45% tập đoàn, Tổng công ty hoạt động hiệu quả thấp

(Dân trí) - Có tới 45,05% các tập đoàn, TCty hoạt động hiệu quả thấp, với tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%. Nhiều tập đoàn, TCty đầu tư ra bên ngoài có hiệu quả kinh doanh thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của đơn vị mình.

“Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được gửi tới các đại biểu quốc hội.
 
Theo báo cáo giám sát, tổng nguồn vốn của 90 tập đoàn, TCty đến 31/12/2008 là 1.241.000 tỉ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước, chủ đạo là các tập đoàn, TCty đã đóng góp 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu.
 
Bên cạnh những thành tích nổi bật, bản báo cáo giám sát cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, bất cập tại các tập đoàn, TCty. Về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo báo cáo có tới 45,05% các tập đoàn, TCty hoạt động hiệu quả thấp, với tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%.
 
Hơn 45% tập đoàn, Tổng công ty hoạt động hiệu quả thấp - 1
Lợi nhuận trên vốn của nhiều tập đoàn rất thấp

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/12/2008, tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn (gồm các tập đoàn: Dầu khí, Than khoáng sản, Caosu, Dệt may, Công nghiệp tàu thủy, Điện lực, Bưu chính Viễn thông, không tính Tập đoàn Bảo Việt) là 128.786 tỉ đồng, tăng 20,54% so với cuối 2007 và chiếm gần 10% so với tổng nợ tín dụng đối với nền kinh tế tại cùng thời điểm.
 
Về chất lượng nợ, tổng nợ quá hạn của 7 tập đoàn đến 31/12/2008 là 4.168 tỷ đồng, chiếm 3,24% tổng dư nợ của các tập đoàn tại các tổ chức tín dụng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 15% tổng số nợ quá hạn.
 
Tập đoàn Vinashin có số nợ quá hạn là 3.812 tỉ đồng, chiếm 19,17% dư nợ của tập đoàn và chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn. Nợ quá hạn của 9 nhóm TCty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng là 1.208 tỉ đồng, chiếm 10,5% tổng số nợ tại tổ chức tín dụng.
 
Theo báo cáo có 47 tập đoàn, TCty tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng... với tổng số vốn đầu tư rất lớn, cuối năm 2006 là 6.434 tỉ đồng, cuối năm 2007 là 16.190 tỉ đồng và cuối năm 2008 là 21.164 tỉ đồng.
 
Theo nhận định, hiệu suất đầu tư (lợi nhuận trên vốn đầu tư) tính chung là rất thấp, thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này. Năm 2008 thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, hầu hết các tập đoàn, TCty đều bị thua lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận.
 
Tính đến hết tháng 12/2008, Tổng mức đầu tư của EVN vào lĩnh vực chứng khoán là 214 tỉ đồng; các tập đoàn góp vốn vào quỹ đầu tư của tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 368,9 tỉ đồng; tập đoàn Caosu 271 tỉ đồng; Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy 144 tỉ đồng đều không phát sinh lợi nhuận.
 
Cũng theo kết quả giám sát thì nhiều tập đoàn chạy đua đầu tư ra ngoài ngành, vào chứng khoán, trong khi đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển các dự án quan trọng của Nhà nước.
 
Điển hình là EVN, năm 2008, đơn vị này đầu tư vào lĩnh vực tài chính khoảng 2.146 tỉ đồng, trong khi từ nay đến hết năm 2015 để đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện đơn vị còn thiếu 382.931 tỉ đồng.
 
Cũng theo báo cáo, một số TCty làm ăn thua lỗ và tính đến cuối năm 2008 vẫn còn 23 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng số tiền là 2.797 tỷ đồng. Một số TCty lỗ phát sinh ở đơn vị thành viên gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh chung.
 
Một số TCty hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt khó khăn, không khắc phục triệt để và dứt điểm được tình trạng lỗ lũy kế từ các năm trước, tiếp tục để phát sinh lỗ, khả năng thanh toán hạn chế, vốn nhà nước mất hết, nếu không có giải pháp sắp xếp, đổi mới triệt để thì phải làm thủ tục cho phá sản.
 
Cấn Cường