Đắc Nông:
Hơn 350 hộ dân bị “bỏ quên” trong... núi
Trong quá trình điều tra nạn phá rừng tại khu kinh tế mới Đắc Nang, xã Đắc Som, tỉnh Đắc Nông, lãnh đạo tỉnh này “phát hiện” có một dự án ổn định dân di cư tự do bị “bỏ quên” từ... 6 năm qua.
Vật vờ trong khe núi
Theo báo cáo ngày 21/3/2006 của đoàn kiểm tra liên ngành, có 353 hộ (2.130 khẩu) đang sinh sống tại vùng núi giáp ranh các xã Đắc Som, Đắc Plao, Đắc R'măng, Quảng Khê (huyện Đắc Glong). Đây là số dân hưởng lợi từ dự án ổn định dân di cư tự do (DCTD) do huyện Đắc Glong (huyện Đắc Nông cũ) thực hiện từ năm 2001. Hiện tại, đời sống của các hộ này hết sức khó khăn.
Thôn trưởng thôn 1 Giàng A Sì cho biết: “Các hộ đang sống ở đây là dân DCTD từ các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái vào huyện Krông Nô tìm đất mưu sinh. Thấy vùng Nâm Nung có địa thế bằng phẳng, đất đai màu mỡ, lại gần nguồn nước nên mấy trăm hộ ráp lại lập làng.
Năm 2000, nghe theo sự vận động của huyện và tỉnh, chúng tôi mới dời về đây. Nhà nước có làm cho một con đường cấp phối, cấp hộ khẩu, thành lập 3 thôn (tức các thôn 1,2,3 thuộc xã Đắc Som - PV) để chúng tôi định cư lâu dài. Không ngờ địa hình Đắc Nang hiểm trở quá, đất đai cằn cỗi, lại không có thuỷ lợi nên bà con làm mãi vẫn không kiếm đủ cái ăn.
Người dân thôn tôi phải xâm canh sang các xã Đắc Plao, Đắc R'măng, Quảng Khê... Vài người có ít đất gần thôn trồng điều, nhưng điều cao bằng nóc nhà vẫn không ra trái”.
Còn ông Ka Măng - Chủ tịch UBND xã Đắc Som - tiết lộ: “Do không có đất sản xuất, trước đây dân Đắc Nang sinh sống chủ yếu bằng nghề... săn bắt thú rừng. Bây giờ họ đói là do thú rừng cạn kiệt”.
Hơn 350 hộ chen chúc trong một khe núi hẹp, không hộ nào có nhà vệ sinh, giếng nước... Cả khu kinh tế mới tù túng, nồng nặc một mùi hôi khó tả.
Khu kinh tế trên giấy
Ông Vũ Mạnh Khuông - Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành - cho biết: “Theo Quyết định số 1535/QĐ-UB, ngày 29/5/2001 của UBND tỉnh Đắc Lắc cũ, vùng dự án có 1.300 ha đất nông nghiệp, 1.100 ha đất lâm nghiệp, 70 giếng nước, 4 công trình thuỷ lợi, 24 phòng học v.v... Tổng mức đầu tư của dự án là 16,4 tỉ đồng (giá năm 2001), chưa tính gỗ tận thu và công sức của dân.
Theo thiết kế, vùng dự án nằm trong 3 tiểu khu 961, 969 và 1026, nhưng do vừa thiết kế, vừa thi công, vừa đưa dân vào ở nên dẫn tới sự lộn xộn. Huyện Đắc Nông phát hiện hai tiểu khu 969 và 1026 có địa hình núi cao hiểm trở, không thể đưa dân vào, nên việc mở đường dừng lại nửa chừng. Toàn bộ số dân của dự án bị dồn hết vào tiểu khu 961”.
Khắc phục không dễ
Sở NN&PTNT đề nghị kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2008, nhằm hoàn tất... một phần các hạng mục đã được UBND tỉnh Đắc Lắc cũ phê duyệt. Đề nghị này bị bác bỏ với lý do “dự án do UBND tỉnh Đắc Lắc cũ phê duyệt đã bị... phá sản”.
Theo đó, tháng 5/2006, Sở Khoa học đầu tư đề xuất xây dựng một số công trình giao thông nội vùng, thuỷ lợi nhỏ, trường học khoảng hơn 11 tỉ đồng. Với những công trình này (nếu được chấp thuận đầu tư), không có nghĩa là 353 hộ sẽ hết khó khăn.
Ông Ka Măng - Chủ tịch UBND xã Đắc Som - trăn trở: “Dân khó khăn là do thiếu đất. Chưa cấp đất ở, đất sản xuất cho dân là chưa giải quyết được cái gốc vấn đề. Rồi nữa, hơn 2.000 người lấy nước ăn ngoài con suối cạn mà tắm giặt, đi... vệ sinh cũng ở đó, ô nhiễm lắm...”.
Như vậy, dù được “phát hiện” rồi, nhưng Đắc Nang vẫn còn “ngổn ngang trăm mối”.
Theo Lao Động