1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Trị, Huế:

Hơn 3.000 nhà bị ngập sâu, hàng ngàn người dân bị cô lập bởi lũ

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, hơn 3.000 nhà dân tại các địa phương thuộc 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng trị) bị ngập sâu trong nước lũ, hàng ngàn người dân ở huyện A Lưới (TT - Huế) bị cô lập...

Sáng 19/9, tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết, do ảnh hưởng của bão số 8, từ 19h ngày 17/9 đến hôm nay, địa bàn Quảng Trị có mưa rất to. Lượng mưa đo được khoảng 250 - 300 mm. Trong đó, tại Tà Rụt (huyện Đakrông) là 507 mm; Đakrông là 362 mm; Thạch Hãn 339 mm. Do lượng mưa lớn khiến mực nước các sông đang lên nhanh, xấp xỉ báo động (BĐ) 2. Một số sông như Thạch Hãn, Ô Lâu vượt trên BĐ 2, xấp xỉ BĐ 3.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 8 khiến Quảng Trị có mưa rất to
Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 8 khiến Quảng Trị có mưa rất to

Mưa lũ đã khiến cho hơn 3.000 nhà dân tại một số khu vực thấp trũng tại huyện Triệu Phong, Hướng Hóa, Đakrông bị ngập sâu. Nhiều tuyến đường giao thông đi Ba Lòng, tuyến Tân Long đi vùng Lìa, tuyến giao thông về Triệu Giang bị chia cắt; đường 15B bị sạt lở 8 điểm, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở 15 điểm…

Nhiều tuyến phố Đông Hà bị ngập sâu, khiến nhiều phương tiện bị chết máy
Nhiều tuyến phố Đông Hà bị ngập sâu, khiến nhiều phương tiện bị chết máy
Nhiều tuyến phố Đông Hà bị ngập sâu, khiến nhiều phương tiện bị chết máy
Ngoài ra, lốc xoáy cũng đã khiến cho hơn 30 nhà dân ở các xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), Triệu An, Triệu Đại (huyện Triệu Phong) bị tốc mái và hư hỏng nặng. Một người dân mang quốc tịch Lào, đang sinh sống cùng vợ con ở huyện Đakrông trong khi đi làm rẫy đã bị nước lũ cuốn trôi, 2 người dân khác cũng bị thương do mưa lũ.

Theo thống kê, hiện đã có hơn 2.000 héc ta hoa màu, 1.500 héc ta lúa bị hư hại, 2 hồ nuôi tôm của người dân ở thôn 4, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong bị vỡ; nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông bị ngập sâu chưa thể thống kê cụ thể mức thiệt hại.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, chính quyền các địa phương cũng đã tiến hành di dời gần 1.500 hộ dân ở các khu vực xung yếu của 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa đến nơi an toàn.

Ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện UBND tỉnh đã lập nhiều đoàn công tác xuống trực tiếp các địa phương để nắm bắt tình hình và hướng dẫn người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra.
 
Sáng 19/9, qua điện thoại ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch huyện miền núi A Lưới, tỉnh TT-Huế cho biết, vẫn còn 3 thôn là thôn 6,7 và thôn tái định cư Pa Ay ở xã Hồng Thủy vẫn đang còn bị chia cắt, cô lập với bên ngoài.
 
Do nước lũ lên nhanh trên các con suối dẫn vào thôn, nên các con đường độc đạo dẫn vào 3 thôn này đã bị chia cắt đến sáng hôm qua. Tuy đến sáng nay, nước suối đã có rút bớt, trời nắng không mưa nhưng vẫn chưa thể đi lại được. Trong 3 thôn có khoảng 300 hộ với 1.500 khẩu. Với tình hình hiện tại, có thể đến trưa chiều hôm nay nước sẽ rút.

Tại QL 49A – con đường duy nhất nối liền từ TP Huế lên huyện A Lưới trong hôm qua đã bị sạt lở tại 3 điểm làm tê liệt việc đi lại. Hàng ngàn mét khối đất đá đổ xuống đường gây khó khăn trong việc cứu hộ. Cho đến rạng sáng 19/9, 2 trong 3 điểm đã được thông. Tuy nhiên có 1 điểm lại bị sạt lở lại từ 4h đến 7h sáng. Các công nhân, xe múc đã làm việc cật lực. Cho đến nay, toàn bộ QL 49A đã được thông tuyến.

“Do thủy điện A Lưới hôm qua nhận lượng nước quá lớn, ngưỡng nước cho phép là 553m, tuy nhiên nước đã lên 555m. Toàn bộ 3 cửa xả của thủy điện phải mở tối đa. Vào 12h khuya huyện đã di dời 47 hộ với người và tài sản nằm trong vùng hồ thủy điện. Qua kiểm tra, có 30 nhà bị ngập nước với mức nước cao nhất trong nhà là 0,8m. Đến sáng, toàn bộ bà con đã về nhà. Tài sản không bị thiệt hại. Những hộ này khi nhà đầu tư làm thủy điện dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng bởi nước lụt, nhưng qua thực tế hôm qua thì vẫn bị ngập khi nước quá ngưỡng. Sắp tới huyện sẽ kiến nghị tỉnh để làm việc với thủy điện nhằm di chuyển các hộ dân bị ảnh hưởng trên ra khỏi lòng hồ” – ông Cường nói.

Thủy điện A Lưới xả hết qua 3 cửa, gây ngập cho hàng chục hộ ở xung quanh lòng hồ thủy điện

Thủy điện A Lưới xả hết qua 3 cửa, gây ngập cho hàng chục hộ ở xung quanh lòng hồ thủy điện

Ngoài ra, hơn 150 hecta gồm chủ yếu là lúa và sắn, hoa màu của bà con huyện này canh tác ven suối đã bị ngập nước, hư hại. Theo ước tính ban đầu, toàn huyện thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng. Trong đó 10 tỷ là cơ sở vật chất (tính luôn cả QL49A) và 5 tỷ thiệt hại tài sản mà chủ yếu là các cây nông nghiệp.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, tuy có gió bão nhưng với việc chằng chống tốt, toàn bộ các công trình di tích thuộc khu di sản Huế đã không có thiệt hại gì. Các công tác cho lễ kỷ niệm 20 năm Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vẫn được tiến hành theo đúng kế hoạch vào cuối tuần này.

Qua ghi nhận, một số trường học vì lý do an toàn đã cho học sinh nghỉ học buổi sáng hay cả ngày, sau lũ sẽ dạy bù. Đến sáng nay, điện vẫn còn tắt tại địa bàn Thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang, huyện miền núi A Lưới. Công tác cung cấp nước tại 3 nơi này vẫn diễn ra tốt do phương án chạy máy nổ được chuẩn bị kỹ. Có 20 nhà bị tốc mái ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền. Người dân đã lợp lại mái trong sáng. Đường Vĩnh Hương ở xã Phong Xuân của huyện này cũng bị ngập nhiều đoạn. Đoạn nặng nhất ngập 0,7m.

Hiện các hồ, đập thủy điện và chứa nước tại Huế đã qua tràn và xấp xỉ qua tràn. Riêng hồ chứa nước Tả Trạch đang chuẩn bị vào giai đoạn cuối, dù nước dâng hơn cao trình ở giai đoạn 1 là 11m (27,3m) nhưng vẫn điều tiết lũ ổn định, an toàn cho hạ lưu. Cũng theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tuy thiệt hại về tài sản có nhưng may mắn, toàn TT-Huế không có thiệt hại về người.

Tại tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 8 đã gây mưa trên diện rộng.

Trưa 19/9, ông Đinh Qúy Nhân, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, từ hôm qua đến sáng nay trên địa bàn có mưa rất to khiến cho đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Thượng Hóa vẫn bị ngập sâu, ách tắc cục bộ. Hơn 20 nhà dân tại thôn Phú Nhiêu, và nhiều hộ dân ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa cũng bị ngập trong nước. Tuyến đường vào Rục đang bị chia cắt.

Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Thượng Hóa bị chia cắt
Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Thượng Hóa bị chia cắt

UBND huyện Minh Hóa cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương hướng dẫn người dân chuẩn bị các phương án ứng phó với lũ. Ban Chỉ huy quân sự huyện cũng cử lực lượng, phương tiện đến cắm chốt tại xã Tân Hóa để giúp dân sơ tán và ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Nhiều nhà dân bị ngập sâu
Nhiều nhà dân bị ngập sâu

Ông Nguyễn Quang Năm, quyền Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, mưa lớn trong những ngày qua và hôm nay đã khiến cho nước sông Kiến Giang lên nhanh, vượt trên mức BĐ 2 chừng 30 cm. Chiều hôm qua 18/9, tuyến đường về nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị ngập nhiều điểm. Một số nhà dân tại các xã Dương Thủy, An Thủy, Lộc Thủy… cũng bị ngập.

Mưa lớn khiến nước sông Kiến Giang dâng cao, vượt trên mức BĐ 2
Mưa lớn khiến nước sông Kiến Giang dâng cao, vượt trên mức BĐ 2

Trong chiều 18/9, một trận lốc xoáy xảy ra gần khu vực trường THCS Phong Thủy đã làm gãy một cây ngô đồng, có đường kính hơn 1m, khiến nhiều cột điện bị gãy, một đoạn tường bao quanh trường học bị đánh sập. Ngay sau đó, ngành điện lực buộc phải cắt điện để đảm bảo an toàn. Trên địa bàn xã Lâm Thủy cũng xảy ra gió lốc làm đổ nhiều cây cối và cột điện cao thế.

Hiện địa phương này đang có mưa rất to. Chính quyền địa phương cũng đã có công điện gửi các trường Mầm non trên địa bàn cho học sinh nghỉ học ngày hôm nay để đảm bảo an toàn cho các em.

Ông Nguyễn Viết Ánh – Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, từ tối qua đã bắt đầu có hiện tượng ngập lụt tại các xã vùng trũng như Gia Ninh, Võ Ninh, Duy Ninh… UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung lực lượng tại chỗ túc trực 24/24 để ứng phó với lũ.

Đăng Đức – Đặng Tài -  Đại Dương