1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hơn 3.000 giáo viên tại Kiên Giang bị tỉnh nợ tiền

Để hoàn thành chuẩn hoá giáo viên trong năm 2005, nhiều đơn vị giáo dục Kiên Giang đã ào ạt đưa hàng ngàn giáo viên đi học, dẫn đến tình trạng số giáo viên còn lại phải dạy lấp vào khoảng trống quá lớn. Chính vì thế, số tiền thừa giờ tăng cao, dẫn tới một mức tiền nợ kỷ lục ở ngành giáo dục Kiên Giang trong 30 năm qua.

Nợ như "chúa Chổm"

 

Theo thống kê của CĐ ngành GD Kiên Giang, đến tháng 11/2005, có 10/13 huyện, thị, thành phố và 19/41 đơn vị trường học nợ 3.454 cán bộ, giáo viên 12,845 tỉ đồng tiền chiết tính. Trong đó, một số đơn vị nợ đến bạc tỉ, như huyện Châu Thành 2,693 tỉ; Gò Quao 2,180 tỉ; Vĩnh Thuận 1,156 tỉ;... Còn tại đơn vị trường học, số tiền nợ cũng lên đến vài trăm triệu đồng như: Trường THPT Vĩnh Thuận (226,426 triệu), THPT Dân tộc nội trú (145,637 triệu).

 

Điều đáng nói ở đây là không chỉ có các địa phương, trường ở vùng sâu như Vĩnh Thuận, An Minh,... mà còn có cả các địa bàn trung tâm như TP.Rạch Giá, huyện Châu Thành cũng nợ giáo viên. Theo Sở GDĐT Kiên Giang, tiền chiết tính ở đây thực chất là tiền thừa giờ của giáo viên đứng lớp thay cho các đồng nghiệp được lãnh đạo cử đi học.

 

Căn bệnh thành tích

 

Ông Ninh Thành Viên - Phó GĐ Sở GDĐT Kiên Giang cho biết: Do số giáo viên cần chuẩn hoá của tỉnh lên đến hàng ngàn người, trong khi đó kế hoạch của tỉnh Kiên Giang là phải kết thúc chuẩn hoá số giáo viên vào năm 2005. Vì muốn hoàn thành kế hoạch nên nhiều địa phương, đơn vị ồ ạt cử giáo viên đi học một cách thiếu tính toán. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến mất khả năng trả tiền chiết tính.

 

Cũng theo ông Viên, khác với những năm trước (việc tổ chức cho giáo viên học chuẩn hoá được thực hiện vào tháng hè nên không phát sinh tiền chiết tính), mấy năm gần đây thời gian học chuẩn hoá lấn sang thời gian dạy học chính khoá. Do vậy, khi đụng chuyện thì trở tay không kịp.

 

Tuy nhiên, theo điều tra riêng của chúng tôi, việc trả tiền chiết tính cho giáo viên ở Kiên Giang trong nhiều năm qua vẫn luôn bị chậm mà nguyên nhân là do có sự "lệch pha" về thời gian quyết toán. Theo ông Viên, quyết toán ngân sách làm việc theo năm, còn công việc của ngành giáo dục thì lại làm theo niên học, nên thường bị trễ nải việc chi trả tiền chiết tính.

 

Ông Vũ Mạnh Thuấn - Chủ tịch CĐ ngành GD Kiên Giang nhấn mạnh: "Đa số giáo viên sống nhờ vào đồng lương, do đó, việc bị chậm trả tiền làm thêm ngoài số giờ theo luật định chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy". Trong khi đó, theo BGĐ Sở GDĐT Kiên Giang, do sự việc phát hiện vào thời điểm cuối năm và số tiền quá lớn, nên trước mắt sở chỉ có thể kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang giải quyết một phần, số còn lại sẽ được tính toán vào năm 2006.

 

Vì thành tích của lãnh đạo mà 1/5 số giáo viên đứng lớp ở Kiên Giang bị thiếu tiền làm ngoài giờ trong thời gian dài, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo... đây là một hiện tượng không bình thường trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Rất mong được các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang kịp thời giải quyết và chấn chỉnh.

 

Theo Lục Tùng
Lao Động