1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hơn 26.000 hộ dân TPHCM hiến gần 300ha đất làm đường

(Dân trí) - Tại TPHCM, hơn 26.000 hộ dân đã hiến gần 300ha đất làm đường giao thông, ước tính kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng.

Ngày 28/11, TPHCM tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025.

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng TPHCM, cho biết thành phố đã có 54/56 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 3/5 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt huyện nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè). 

Hơn 26.000 hộ dân TPHCM hiến gần 300ha đất làm đường - 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân và định hướng phát triển nông nghiệp khi dự báo số hộ làm nông nghiệp giảm

Tính đến tháng 10/2019, toàn thành phố đã có 47/56 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó có 31/47 xã được công nhận xã đạt chuẩn nâng thôn mới nâng cao. 

Theo ông Hùng, triển khai thực hiện phong trào thi đua "Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới", toàn thành phố cũng huy động tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2.800 tỷ đồng. Trong đó, 26.052 hộ dân hiến đất làm đường, với diện tích 297ha, ước tính kinh phí hơn 2.243 tỷ đồng, các đơn vị chung sức hỗ trợ gần 558 tỷ đồng.

Phát động thi đua giai đoạn 2020-2025, ông Hùng cho biết thành phố hướng đến mục tiêu đạt giá trị sản xuất trên mỗi hecta đất nông nghiệp trên 900 triệu đồng/ha/năm; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 110 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nông dân tham gia trở thành thành viên HTX nông nghiệp tối thiểu 20% tổng số hộ nông dân trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong 10 năm qua, tổng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới là hơn 73.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương và thành phố chiếm hơn 19%, vốn người dân là hơn 4,6% và vốn tín dụng là hơn 74%.

Theo Bí thư Nhân, việc người dân hiến đất làm đường là rất quý giá. Ngoài ra, một số chỉ số rất ấn tượng như năng suất lao động nông nghiệp tăng cao; giá trị sản xuất trên 1ha của thành phố đạt 158 triệu đồng năm 2010 lên hơn 500 triệu đồng năm 2019, gấp 5 lần bình quân cả nước.

Người đứng đầu Đảng bộ TP cũng đánh giá cao số lượng HTX được thành lập, từ 31 HTX năm 2010 lên 76 năm 2019. "Đây là tiến bộ đáng ghi nhận nhưng hài lòng được chưa?", Bí thư Nhân đặt vấn đề. Theo ông, không hài lòng được vì số hộ tham gia HTX còn ít, chỉ có 1.370 hộ tham gia hợp tác xã, mới chiếm 7,7% số hộ sản xuất nông nghiệp (toàn thành phố có hơn 17.000 hộ sản xuất nông nghiệp).

Bí thư Nhân cho biết, 100% số xã đạt 15/19 tiêu chí nhưng còn 4 tiêu chí chưa đạt là giao thông; hệ thống chính trị; cơ sở vật chất, trường lớp, tỷ lệ học sinh; môi trường và an toàn thực phẩm. 

Một vấn đề quan trọng được Bí thư Nhân đề cập đó là bài toán tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, tỷ lệ hộ dân tham gia sản xuất nông nghiệp cũng là vấn đề quan trọng để định hướng phát triển nông thôn mới. Ông dẫn chứng như ở huyện Củ Chi, năm 2011 có 18 hộ sản xuất nông nghiệp trong 100 hộ dân; đến năm 2019 là còn 7,5 hộ. 

Dự báo đến 2025, số hộ dân làm nông nghiệp tại huyện Củ Chi tiếp tục giảm và tình hình tại các huyện khác cũng tương tự. Dự kiến đến 2025, TPHCM chỉ còn 38.000 lao động nông nghiệp.

Do đó, theo ông Nhân, TPHCM phải chuyển giai đoạn, từ nông thôn mới sang đô thị văn minh. "Đây là con đường phải đi, chứ không thể làm nông thôn mới mãi được. Phải chuẩn bị quá trình chuyển đổi trong 5-10 năm tới", ông Nhân nói.

Người đứng đầu Đảng bộ TP cho rằng phải quy hoạch hướng tới đô thị có sản xuất nông nghiệp năng suất cao, gắn với ứng dụng công nghệ cao, là trung tâm cây, con giống và gắn với đầu ra sản phẩm.

Quốc Anh